Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 16/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.
- Tính từ 18h ngày 15/10 đến 6h ngày 16/10: 0 ca mắc mới.
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 44 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 59 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 76 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay diễn ra chiều ngày 15/10 tại trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại. Trong 24 giờ vừa qua đã ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm, vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa.
Chúng ta phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt. Khi hết thời hạn cách ly tập trung, người nhập cảnh phải được theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Chúng ta không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.386, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 154
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.029
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.203
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.030 bệnh nhân/1.124 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 5 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Chiều 15/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng, chống COVID-19 của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắcxin trong nước; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các công ty, đối tác sản xuất và cung cấp vắcxin có uy tín trên thế giới nhằm có vắcxin phòng, chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Song song đó, Việt Nam cũng xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắcxin một cách nhanh chóng ngay khi có vắcxin."
"Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã đặt mua vắcxin của một số đối tác, trong đó có Nga và Anh. Việc cung cấp vắcxin phụ thuộc vào tiến độ, các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất cũng như quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng."
"Hiện nay, Việt Nam thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình với các đối tác. Chúng tôi tha thiết mong muốn sớm có vắcxin, thuốc và phác đồ điều trị, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”.
Theo Suckhoedoisong.vn