Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sáng 16/4: TP HCM chính thức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Sáng 16/4: TP HCM chính thức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Sáng nay 16/4, TP HCM chính thức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; học sinh lớp 6 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tiêm đầu tiên. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, F1 không phải cách ly nhưng tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng...

Trẻ lớp 6 trên toàn TP HCM và trẻ lớp 5 tại 5 trường tiểu học sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong ngày đầu tiên

Theo quyết định phân bổ vaccine của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, TP HCM được phân bổ 87.500 liều vaccine phòng COVID-19 Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Số vaccine này đã về đến TP HCM vào sáng ngày 15/4.

TP HCM sẽ thực hiện tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần độ tuổi tùy theo tiến độ cung ứng vaccine.

Đối với mũi 1, TP HCM bắt đầu từ ngày 16/4 - 30/4. Cụ thể, ngày 16/4, tổ chức tiêm cho trẻ đang học lớp 6 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Riêng với trẻ đang học lớp 5, Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP HCM thống nhất chọn 5 trường tiểu học để tiêm thí điểm gồm: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1); Trường tiểu học Bàu Sen (Quận 5); Trường tiểu học Dương Minh Châu (Quận 10); Trường tiểu học Hồ Văn Huê (Quận Phú Nhuận); Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Quận Tân Phú.)

Sáng 16/4: TP HCM chính thức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên, trò chuyện với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trường THCS Trần Quốc Toản, Quảng Ninh chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 Ảnh: Thái Bình

Sau khi tiêm thí điểm 5 trường sẽ sơ kết và triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ ở 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, từ ngày 18/4 đến 28/4. 

Từ ngày 29- 30/4, TP HCM sẽ tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí.

Đối với mũi 2, TP HCM dự kiến tiêm trong 4 ngày khi đủ thời gian và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Loại vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm: vaccine Pfizer và Moderna, tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về liều lượng. Không tiêm trộn 2 vaccine với nhau.

Để tiêm vaccine hết cho số trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trên địa bàn trong vòng 14 ngày, TP HCM đã lên kế hoạch bố trí 604 bàn tiêm/ngày (mỗi bàn tiêm sẽ tiêm cho 50 trẻ/buổi). Tổng cộng có 604 đội tiêm để tham gia công tác tiêm chủng. Cùng với đó, xe cấp cứu trực chiến sẵn sàng.

Sở Y tế TP HCM cũng thành lập Tổ chuyên gia hồi sức cấp cứu nhi thuộc 3 bệnh viện nhi trên địa bàn để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác cấp cứu, xử trí tai biến sau tiêm vaccine

Đối với trẻ đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine sau 3 tháng kể từ ngày mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Như vậy, TP HCM là địa phương thứ 2 trên cả nước tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, sau Quảng Ninh đã tiêm từ ngày 14/4. TP Hà Nội sẽ tiêm vào ngày 17/4.

Liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vaccine như đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khác.

F1 không phải cách ly nhưng tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng

Đây là 1 trong những nội dung được Bộ Y tế nhấn mạnh tại hướng dẫn ngày 15/4 về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Theo hướng dẫn này, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0;

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền;

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền; 

Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định như sau: Đối với F0 có triệu chứng, thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khởi phát và thêm ít nhất 3 ngày sau khi hết triệu chứng (sốt và các triệu chứng đường hô hấp); 

Đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng, thời kỳ lây truyền tính từ 10 ngày trước và 10 ngày sau khi lấy mẫu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chỉ còn hơn 1.200 ca COVID-19 nặng đang điều trị, bằng 1/7 giai đoạn cao điểm đầu tháng 3/2022

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, ngày 15/4 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 20.076 ca COVID-19 mới (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 15.555 ca trong cộng đồng.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.163 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.394.533 ca COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.386.786 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.531.044), TP. Hồ Chí Minh (605.596), Nghệ An (474.374), Bình Dương (382.453), Bắc Giang (378.943).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi: 8.863.044 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.242 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 953 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 81 ca; Thở máy không xâm lấn: 54 ca; Thở máy xâm lấn: 151 ca; ECMO: 3 ca

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 22 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.924 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Theo suckhoedoisong.vn

Link nguồn: https://suckhoedoisong.vn/sang-16-4-tp-hcm-chinh-thuc-tiem-vaccine-phong-covid-19-cho-tre-tu-5-duoi-12-tuoi-169220416002847305.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.68774 sec| 659.906 kb