Vụ sạt lở xảy ra khi các thợ mỏ đang tìm kiếm đá quý trên địa hình đồi núi hiểm trở tại khu mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc. Hoạt động đào bới khai thác ngọc bích trước đó đã khiến nền đất trên sườn núi nơi đây bị suy yếu và sụp xuống khi mưa lớn.
Sau những trận mưa lớn, bùn đất cao tới gần 80 mét đổ sụp xuống khu mỏ lộ thiên, ập xuống hồ nước mưa bên dưới, tạo ra cảnh tượng như sóng thần. Đợt sóng ào tới, nhấn chìm những thợ mỏ đang làm việc bên sườn núi trong nước và bùn lầy.
"Những thợ mỏ bị phủ trong đợt sóng bùn. 113 thi thể đã được tìm thấy", Sở Cứu hỏa Myanmar đăng trên Facebook, cùng với đó là hình ảnh đội tìm kiếm và cứu hộ đang lội qua một thung lũng ngập trong bùn lầy.
Số người chết được cho là sẽ tăng. Một quan chức ước tính ít nhất 200 người có thể đã thiệt mạng trong thảm họa này. "Chúng tôi không thể tiến vào sâu hơn để giải cứu, nên chỉ có thể thu gom những thi thể trôi nổi. Việc đưa nạn nhân đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn vì trời mưa khiến đường lầy lội", quan chức này cho hay.
Sự cố sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra ở khu vực khai thác ngọc thuộc bang Kachin, Myanmar. Năm 2019, hơn 50 người chết trong một vụ sập mỏ. Trước đó 4 năm, một vụ sập mỏ khác ở khu vực này cũng khiến ít nhất 120 người bị chôn vùi.
Báo Công an nhân dân thông tin, khu vực xảy ra tai nạn là nơi có trữ lượng ngọc bích cao nhất thế giới, có giá trị hàng tỷ USD. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết lợi nhuận đổ vào túi cá nhân và doanh nghiệp có quan hệ với các cựu sĩ quan quân đội Myanmar.
Người dân địa phương là đối tượng chịu tổn hại vì cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát các mỏ và nguồn thu nơi đây và thảm họa này là một ví dụ điển hình. Hiện công cuộc tìm kiếm những thi thể mất tích đang được tạm dừng chờ cơn mưa lớn trên khu vực qua đi.