Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết quyết tâm "vững chắc, kiên định" từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này có thể bị lung lay sau khi Mỹ đòi hỏi phi hạt nhân hóa đơn phương.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc hai ngày đàm phán Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn KCNA nói thêm rằng cuộc đàm phán trên "cực kỳ thảm họa", và "cách thức nhanh nhất" để đạt được mục tiêu bán đảo Triều Tiên không hạt nhân là thông qua cách tiếp cận từng bước, trong đó cả hai phải cùng lúc thực hiện.
Triều Tiên cũng kỳ vọng rằng Mỹ "sẽ cung cấp các biện pháp mang tính xây dựng, có thể giúp xây dựng lòng tin dựa trên tinh thần từ cuộc gặp của hai vị lãnh đạo" Kim Jong Un – Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6.
Thông cáo nhấn mạnh lại quan điểm của Triều Tiên rằng, con đường nhanh nhất để tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân đó là giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn và cả hai bên (Mỹ-Triều) cùng thực hiện cam kết.
Trong khi đó, kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân với Triều Tiên đã có tiến triển "ở hầu hết các vấn đề trọng tâm", trong đó có việc đưa ra lịch trình giải trừ hạt nhân cụ thể.
Trong ngày 6/7, ông Pompeo đã gặp ông Kim Yong Chol gần 3 tiếng, và tiếp sau đó là buổi ăn tối kéo dài. Khi hai bên gặp nhau lần nữa vào buổi sáng hôm sau, hai bên thống nhất rằng các chi tiết tiếp theo sẽ được bàn thảo để "làm rõ".
Đây là chuyến thăm Triều Tiên lần 3 của ông Pompeo và diễn ra không lâu sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó Bình Nhưỡng cam kết giải trừ hạt nhân hoàn toàn để đổi lấy cam kết an ninh từ Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố chung này khá mơ hồ và ít có sự ràng buộc.
Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo góc nhìn của Mỹ là khái niệm diễn tả việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Nhiều lo ngại rằng phía Triều Tiên lại hiểu khác, tức chỉ xem như "ngừng chương trình hạt nhân" hay đại thể "tạm cất vũ khí hạt nhân khi không dùng đến". Cho đến nay, bằng chứng là Bình Nhưỡng mới quyết định phá hủy bãi thử hạt nhân, chứ không nhắc tới chi phí hủy vũ khí, giải giáp…
Anh Đức (TH)