Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Chính-Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xác nhận cho biết, bà con thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) đã đồng ý theo dự kiến ngày 25/1 cây sưa trăm tỉ ở chùa thôn Phụ Chính sẽ được khai thác. Gỗ của cây sưa sẽ được bảo quản trong thùng container chờ ngày đấu giá.
"Việc này đã được lấy ý kiến từng hộ gia đình trong thôn và đã được sự nhất trí hoàn toàn, còn UBND xã chỉ xác nhận 2 cây sưa này có nguồn gốc của chùa thôn Phụ Chính. Mặc dù theo văn bản thì bà con thôn Phụ Chính được quyền khai thác 2 cây sưa này nhưng xã cũng sẽ báo cáo lại với huyện về việc này", ông Chính cho biết.
Trước đó, Sở NN&PTNT TP.Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho người dân thôn Phụ Chính khai thác, sử dụng 2 cây sưa trên do chúng không nằm trong khuôn viên di tích lịch sử.
Ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, sau khi cơ quan chức năng cho phép khai thác sử dụng, phía thôn cũng đã họp bàn với nhau và mong muốn khai thác càng sớm càng tốt, tránh tình trạng trộm gỗ rình rập và mối mọt xâm hại.
“Hội nghị dân cư nhất trí rồi, cứ thế mà triển khai thôi. Sợ cây sưa sẽ lại bị kẻ gian cưa trộm nên chúng tôi đã quyết định vài hôm nữa sẽ cắt hạ để ăn Tết Nguyên đán cho ngon. Qua tết sẽ thuê một đơn vị chuyên nghiệp tổ chức bán đấu giá công khai số gỗ đó” - ông Tuyến cho hay.
Sau 8 năm, các cơ quan chức năng đã xác định cây gỗ quý này thuộc thẩm quyền của dân làng. Vì vậy, chính quyền đã cho cho phép cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính được khai thác nốt số gỗ sưa còn lại, phục vụ mục đích chung nhưng phải chấp hành theo quy định của pháp luật.
Trước đó như đã thông tin, trong khuôn viên đình ở thôn Phụ Chính có trồng cây sưa đỏ tuổi đời trên 130 năm. Dân làng kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng.
Vào năm 2010, do một nhánh của cây này bị gãy đổ nên dân làng đã bán theo hình thức đấu giá cho một người buôn gỗ ở xã Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), thu về số tiền 20,5 tỷ đồng. Thế nhưng, khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ.
Năm 2015, số gỗ sưa trên lại được chính quyền huyện Chương Mỹ tiến hành bán đấu giá, thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Trong khi đó, từ khi biết giá trị cây sưa, nhiều người lạ tìm đến thôn để cưa trộm đem bán, khiến người dân thấp thỏm canh chừng lại lo sợ cây sưa sẽ chết dần, mất giá trị.
Đến tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Đồng thời, UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức hội nghị liên quan đến việc khai thác, sử dụng “cây sưa trăm tỷ”, thống nhất chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng từ việc bán 1 nhánh cây cho người dân quản lý, chấm dứt những “lùm xùm” trước đây.
H.A (TH)