Sau phản ánh về hóa đơn tăng bất thường, ngày 25/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức đoàn kiểm tra tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội). Buổi làm việc này có đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn khi hoá đơn tăng tới vài lần. Ông cũng đề cập tới nghi vấn cán bộ ngành điện can thiệp, "cố tình" làm sai khi ghi chỉ số và lập hóa đơn.
Trước những nghi vấn này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói: “Vấn đề là ai được hưởng lợi để cố tình làm sai? Người ghi số điện thì không tính hoá đơn, người làm hoá đơn thì không thu tiền điện… Đặc biệt là các công nhân, họ đâu có động lực gì để làm sai".
Ông Dũng khẳng định ngành điện thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát đến tối đa. Khi chỉ số công tơ bất thường, nhân viên điện lực sẽ ngay lập tức vào cuộc kiểm tra.
Lý giải về việc quy trình có sự giám sát chặt chẽ nhưng vẫn để xảy ra các vụ tính sai lên tới vài chục triệu đồng ở Quảng Ninh, Quảng Bình… vừa qua, ông Nguyễn Quốc Dũng: Đối với công tơ điện tử, chỉ số công tơ chính xác tỷ lệ cao. Còn đối với công tơ cơ khí, công nhận phải đến đọc chỉ số. Quá trình này có thể xảy ra sai sót.
“Nắng nóng khủng khiếp thế này. Trên 60% số khách hàng có lượng tiêu thụ tăng 30%. Người công nhân phải làm việc tăng thêm khoảng gấp 1,5 lần, rất vất vả. Tuy nhiên, ở góc độ ngành, chúng tôi thừa nhận vẫn còn một số nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Người đi ghi thì vậy, nhưng người ngồi ở văn phòng thấy tăng vài chục lần mà không phát hiện ra thì là thiếu trách nhiệm", ông Dũng nói. Ông Dũng khẳng định sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quy trình.
Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN nói thêm, những sự cố vừa qua ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An… đều là “sự cố cá nhân” rất đáng tiếc của ngành điện lực.