Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong khoảng 50 năm gần đây có 8 siêu bão đạt cấp 16 trở lên xuất hiện trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương trong tháng 12.
"Với siêu bão Rai thì đây là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì những thiên tai dị thường, thiên tai lớn có thể xuất hiện tần suất ngày càng nhiều hơn và chúng ta phải tìm cách tập trung ứng phó", ông Năng nói.
Ứng phó bão trong dịch COVID-19
Tại Bến Tre, sáng 17/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đã triển khai các phương án, biện pháp sẵn sàng ứng phó với siêu bão Rai. Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh bến Tre tiến hành rà soát, liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi, tàu thuyền neo đậu trong đất liền, thông báo đến các tàu chủ phương tiện về tình hình của cơn bão để có phương án tránh trú kịp thời.
Đến tối 16/12, toàn tỉnh có hơn 2.400 tàu với trên 17.900 ngư dân đang hoạt động trên biển, trong đó có hơn 2.000 phương tiện đang hoạt động vùng biển Đông Nam bộ; trên 1.300 tàu cá đã vào bờ hoặc vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện có 149 tàu hoạt động trên biển mất tín hiệu, chưa thể liên lạc. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre tiếp tục tìm cách liên lạc với các tàu đã mất tín hiệu; tăng cường công tác thông tin về cơn bão Rai cho các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu thuyền để tránh bão an toàn.
Ngành chức năng tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với bão nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải tuân thủ theo quy định về phòng, chống dịch. Các địa phương chuẩn bị phương án theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng", khi có bão đổ bộ vào địa bàn. Cùng với đó, các địa phương ven biển chuẩn bị các nhà tránh trú bão để người dân tại khu vực nguy hiểm di dời về nơi an toàn…
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu chính quyền các địa phương và các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ, kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản, có kế hoạch sơ tán dân đến nơi ở an toàn, kiểm tra các khu vực ven sông, cửa sông, các cù lao, cồn, khu nuôi thủy sản, nuôi lồng bè trên sông, các dự án điện gió... chủ động ứng phó với bão.
Tại Nghệ An, tối 16/12, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Đức Trung ký công điện số 45/CĐ-UBND về việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông.
Theo đó yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các Công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh, các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt trong diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp, các lực lượng cần triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng song song phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống.
Tại Đà Nẵng chiều 16/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng phát công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn, khẩn trương vào bờ.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu đã được quy hoạch…
Đồng thời, yêu cầu UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo phòng chống dịch bệnh; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ký công điện gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc khẩn trương ứng phó với bão Rai (bão số 9).
Theo suckhoedoisong.vn