Tính tới cuối ngày 9/4, hơn 16.000 ca tử vong, Mỹ hiện chỉ đứng sau Italy về số người thiệt mạng vì Covid-19. Ở nước láng giềng Canada, chính phủ dự báo khoảng 11.000-22.000 người có thể tử vong.
Tại một buổi họp báo hôm 9/4, Tổng thống Trump cho biết rằng hãng dược phẩm Pfizer đã tìm ra “liệu pháp điều trị mới hứa hẹn có thể ngăn virus sao chép”, hy vọng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng “rất sớm”.
Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng nhờ chương trình đẩy nhanh phê duyệt các loại thuốc của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), 19 phương pháp điều trị đang được thử nghiệm và 26 phương pháp khác “đang sắp được lên kế hoạch thử nghiệm”.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thì cho rằng sự không chắc chắn liên quan tới đại dịch Covid-19 đang đè nặng lên các triển vọng kinh tế, dù cho rằng tác động tiêu cực có thể sẽ không lâu dài như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Tại Pháp, chính quyền nước này hôm 8/4 cắt giảm khoảng 6% dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 1, mức giảm lịch sử đánh dấu đất nước chính thức bước vào thời kỳ suy thoái. Đầu tàu kinh tế của châu lục là Đức cũng chuẩn bị tinh thần cho một sự suy giảm gần 10% trong quý 2.
Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng chưa từng có này, Liên minh châu Âu lại đang cho thấy sự chia rẽ sâu sắc khi các Bộ trưởng Tài chính của 27 nước thành viên hôm 8/4 đã không thể nhất trí được về một phản ứng kinh tế chung.
Tổng thống Donald Trump hôm 8/4 cam kết sẽ tiến hành thảo luận lại với Quốc hội về kế hoạch chi bổ sung 250 tỷ USD nhằm bảo vệ việc làm, tức là thấp hơn 1 nửa so với yêu cầu của các nghị sĩ đảng Dân chủ.
Về số ca mắc Covid-19, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất, với hơn 400.000 ca và hôm 8/4 là ngày thứ 2 liên tiếp chứng kiến con số kỷ lục gần 2.000 ca tử vong mới. Đây cũng là ngày có số ca tử vong trong ngày tồi tệ nhất ở một quốc gia kể từ xuất hiện ca mắc đầu tiên tại Trung Quốc hồi cuối năm 2019, trong đó riêng bang New York là 779 ca.
Theo Reuters, hiện giới chức Mỹ vẫn tranh cãi về việc có nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không. Một số người lo ngại rằng, việc khuyến cáo đeo khẩu trang có thể sẽ khiến người Mỹ lơ là hơn trong tuân thủ chính sách giãn cách xã hội - biện pháp được đánh giá là quan trọng nhất và hữu hiệu nhất để ngăn dịch lây lan.
Tuy nhiên, một số quan chức lo ngại, khuyến cáo mới có thể khiến nhiều người Mỹ do quá lo ngại sẽ đổ xô tích trữ khẩu trang y tế, trong khi đội ngũ y tế đang thiếu hụt trầm trọng loại khẩu trang này.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo chiều tối ngày 9/4 (giờ Mỹ), Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, cũng là người đứng đầu tổ công tác chống Covid-19 của chính phủ, cho biết Nhà Trắng đang xem xét liệu có thể cho các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bằng vải sử dụng lại, thay vì dùng một lần. Bệnh viện có thể sẽ cần “tái sử dụng áo bảo hộ” để kéo giãn nguồn vật tư.
Hơn 100.000 người Mỹ đang được xét nghiệm virus corona mỗi ngày, ông Pence cho biết.