Theo đó, hiện nay số ca mắc sở phân bố rải rác ở 23 quận huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo thông tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, nếu như cùng thời điểm này năm 2018, toàn thành phố mới ghi nhận 8 ca mắc sởi thì chỉ riêng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, thành phố đã ghi nhận 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca.
Cũng trong chiều 11/2, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng cục Y tế dự phòng bộ Y tế, cho biết các ca mắc sởi, phát ban nghi sởi tiếp tục được ghi nhận trong các ngày nghỉ Tết vừa qua là 664 trường hợp, rải rác tại các tỉnh, TP trên cả nước.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1; khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.
Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng, cần được tư vấn tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng.
H.A (TH)