Chiều 13/7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Cùng dự có các ông: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Thông tin về việc phản ánh của người dân khi nhiều trường hợp F0 chậm được điều trị, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua, khi chúng ta test nhanh để xác định những người dương tính, khi đó sẽ tiếp tục làm xét nghiệm PCR để chắc chắn. Tuy nhiên với ngành y tế, ngay cả khi đã test nhanh dương tính thì đã coi như là F0 và tiến hành điều tra truy vết, chứ không chờ kết quả PCR – thường phải một ngày sau mới có. Nên có những trường hợp test nhanh dương tính nhưng PCR âm tính.
Các trường hợp test nhanh có triệu chứng thì phải chuyển ngay đi bệnh viện. Còn nếu chưa có triệu chứng thì tạm thời cách ly. Trước đây, khi tình hình chưa nóng, ca mắc Covid-19 chưa nhiều, nên dù có hay không có triệu chứng đều được chuyển đi bệnh viện.
Hiện tại, số ca mắc COVID-19 nhiều lên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phân cấp không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, có bệnh nền, cần hồi sức.
“Các bệnh viện dã chiến có lúc chưa đáp ứng đủ, đến nay cơ bản đã đáp ứng được số giường. Đến chiều 13/7, có hơn 15.000 ca, nhưng chúng ta đã chuẩn bị được gần 45.000 giường, tôi tin rằng thời gian tới, tất cả người được chẩn đoán F0 dù là test nhanh cũng được đưa vào bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.
Theo ông Hưng, đến 16h hôm nay, số ca nhiễm ở Thành phố hơn 15.000 ca nhưng đã chuẩn bị được 19 bệnh viện dã chiến, hiện đang triển khai thêm 5 bệnh viện dã chiến. Như vậy, sắp tới sẽ có 24 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 45.000 giường.
“Hi vọng trong thời gian tới, tất cả những trường hợp được chẩn đoán là F0 dù bằng kết quả test nhanh cũng được đưa vào các bệnh viện ở các tầng, tùy vào từng trường hợp. Dù ở tầng nào cũng được các y bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh nhưng mức độ trang thiết bị phục vụ cấp cứu khác nhau. Khi có diễn biến nặng hơn, lập tức chuyển sang những nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn”, ông Hưng nói.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc F0 chậm đưa đi điều trị có thể xảy ra nhưng không phải do vướng chủ trương. Trên thực tế, do ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, quá trình vận hành có sự chệch choạc nên mới như vậy. Các trường hợp phản ánh sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.
Cách ly F0 không triệu chứng tại nhà
Tối 13/7, Sở Y tế TPHCM có công văn khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là trường hợp F0 không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value lớn hơn hoặc bằng 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.
Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.
Người được cách ly tại nhà tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 nói trên phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.