Thông đồng với tài xế khác để tăng cuốc xe cho đủ chỉ tiêu thưởng, bắt cá hai tay với nhiều hãng… là cách các tài xế xe ôm công nghệ đang vận dụng để “kiếm thêm”.
Đủ trò qua mặt hãng
Thời gian gần đây, một loạt thương hiệu như VATO, Go-Viet… ra mắt cạnh tranh cùng Grab trong lĩnh vực xe ôm công nghệ. Trong đó, Go-Viet được nhiều hành khách và tài xế chú ý do mức cước thấp, không lấy chiết khấu, thưởng cao cho tài xế.
Ra mắt đầu tháng 8-2018, để thu hút khách hàng, đơn vị này ra mức giá 5.000 đồng với quãng đường dưới 8 km cho các điểm đón ở quận nội thành. Mỗi cuốc như vậy, tài xế chỉ nhận 5.000 đồng từ hành khách. Số tiền 25.000 đồng còn lại tài xế sẽ được nhận từ Go-Viet nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu 30.000 đồng/cuốc xe.
Anh Trần Văn Nam, ngụ quận 3, cho hay: Thời gian đầu, việc đặt xe khá dễ dàng. Thế nhưng chỉ một thời gian sau anh rất khó đặt được xe dù thấy xung quanh có nhiều tài xế Go-Viet. Lân la dò hỏi, anh được biết nhiều tài xế thấy khách đi hơi xa là không nhận. Thay vào đó, họ tự đặt xe lẫn nhau, mỗi cuốc chỉ vài trăm mét để “móc túi” của hãng.
Tài xế Nguyễn Ngọc N. xác nhận: Nhiều bác tài luôn nghĩ ra đủ chiêu trò để móc được 25.000 đồng/chuyến xe từ hãng. Phổ biến là tài xế A đặt xe và tài xế B nhận, chạy vài trăm mét là kết thúc cuốc. Xong xuôi tài xế B lại đặt và tài xế A nhận… Cứ thế, hai người chạy loanh quanh quãng đường vài trăm mét là kiếm được vài chục ngàn, mặc kệ hành khách mỏi mòn đặt xe.
“Hãng còn ra quy định cứ một cuốc xe tài xế được 1 điểm thưởng, một chuyến trong giờ cao điểm được 2 điểm thưởng. Tài xế đạt 10 điểm được thưởng 80.000 đồng, 14 điểm được 180.000 đồng và 28 điểm được 300.000 đồng. Việc đặt cuốc xe “lụi” sẽ giúp các tài xế dễ dàng đạt đủ số điểm trong ngày để nhận tiền thưởng” - tài xế N. nói.
Hại mình, hại người
Nhiều tài xế cứ nghĩ sẽ ung dung kiếm sống bằng trò khôn lỏi của mình. Nhưng họ không biết rằng điều đó đã gây không ít phiền toái cho khách hàng và đồng nghiệp chân chính. Khách hàng là người thiệt thòi đầu tiên bởi rất khó đặt xe. Hơn nữa, sau khi phát hiện chiêu trò này, hãng xe tới từ Indonesia đã siết chặt quản lý, đồng thời nâng mức cước từ 5.000 đồng lên 9.000 đồng/dưới 8 km.
Đối tượng thiệt thòi thứ hai là những tài xế chân chính. “Hiện Go-Viet thưởng cũng khá tốt, giá dù tăng lên 9.000 đồng/dưới 8 km nhưng vẫn rẻ. Nếu chạy đàng hoàng thì tôi vẫn đủ sống. Nhưng giờ khách đặt cuốc gần quá hoặc vừa trả khách có người khác đặt xe ngay tôi cũng nơm nớp không dám nhận. Lỡ hãng cho rằng tôi đặt cuốc xe ảo, khóa tài khoản là mất nồi cơm” - anh NVN, tài xế Go-Viet chở chúng tôi về đường Tạ Quang Bửu, quận 8, tâm sự.
Theo anh N. thì “mình khôn một nhưng hãng còn tính đến 10, đừng nghĩ dễ qua mặt họ. Mới hôm qua, ông anh tôi gian lận bị hãng phát hiện, khóa tài khoản hai tuần cảnh cáo. Trong khi tôi cứ chạy bình thường cũng được 300.000 đồng/ngày, thưởng thêm 300.000 đồng nữa là đủ sống”.
Hai tay hai súng
Thời gian Grab độc tôn thị trường xe ôm công nghệ, rất đông tài xế đầu quân cho hãng này và họ thường kêu khách ít, chiết khấu cao… Khi các hãng mới ra đời, làn sóng tài xế chuyển từ Grab sang hãng khác diễn ra. Tuy nhiên, nhiều bác tài vẫn muốn chạy luôn cả hai hãng để được nhiều khách dù điều này bị cấm.
“Tôi đặt Grab, một tài xế nhận xong rồi điện thoại bảo đang ở xa (dù định vị báo đang ở gần đó) nên đề nghị tôi hủy. Bực mình, tôi đặt Go-Viet thì cũng chính số điện thoại đó gọi tới nói chờ vài phút, khi xuất hiện thì anh ta mặc áo khoác Grab nhưng nón lại là Go-Viet. Rõ ràng anh ta chạy cho hai hãng, thấy bên nào lợi hơn thì nhận. Người Việt mình có câu “ăn cây nào rào cây đó” nhưng sao có những người tham lam tới như vậy!” - chị Phạm Thị Tuyên, ngụ quận 4, ngán ngẩm.
Câu chuyện “hai tay hai súng nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các tài xế trên diễn đàn Go-Viet. Tài xế ĐC.Thịnh đưa ra cảnh báo: Anh em nào vừa chạy Grab vừa chạy Go-Viet coi chừng bị Grab phát hiện. “Grab có đội quân chụp ảnh anh em tài xế chạy Go-Viet, nếu xác minh xe đó có đăng ký Grab là hãng khóa tài khoản. Kể cả mỗi số điện thoại cài một ứng dụng cũng không qua mặt được hãng” - anh Thịnh khẳng định. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đó là do tài xế non kinh nghiệm. Chứ họ có nhiều chiêu đối phó (như thủ sẵn hai loại nón trong cốp xe, mang hai áo khoác) thì… trời mới phát hiện được.
Về vấn đề này, các hãng xe liên quan đều khẳng định ưu tiên hàng đầu của họ là phục vụ khách hàng. Việc tài xế dùng các chiêu ma mãnh nêu trên họ đều biết và thường xử lý bằng cách khóa tài khoản người vi phạm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Lâm Nhựt Hùng, chuyên gia công nghệ thông tin, cho hay việc tài xế tự tạo cuốc xe giả và dùng cả hai ứng dụng là không nên vì các hãng đều có thuật toán để dễ dàng nhận biết. Anh Hùng phân tích: Xe ôm công nghệ dựa vào ứng dụng đặt xe lấy GPS là nền tảng nên mọi hành vi đón khách, trả khách, số di động của khách lẫn tài xế đều được các hãng ghi nhận. Mọi hành vi bất thường đều được theo dõi, ghi nhận để có hướng xử lý ngay.
“Tốt nhất các bác tài cứ chạy bình thường, thấy hãng nào có lợi cho mình thì cứ chạy. Không thì tắt app, chuyển qua hãng khác. Đừng nghĩ mình khôn hết phần thiên hạ mà giở trò ma mãnh, chỉ thiệt thân thôi” - anh Hùng đưa ra lời khuyên.
Theo Pháp Luật TP.HCM