Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thái Bình: Mỗi năm có khoảng 3 nghìn người xuất khẩu lao động

Thái Bình:  Mỗi năm có khoảng 3 nghìn người xuất khẩu lao động
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình việc làm của tỉnh (giai đoạn 2016-2020), trong đó có công tác xuất khẩu lao động.

Đồng thời phối hợp cùng các sở, ngành liên quan ở tỉnh, huyện, thành phố quản lý chặt chẽ hoạt động của công tác này đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 doanh nghiệp của tỉnh có chức năng hoạt động dịch vụ XKLĐ (Cty TNHH Thương mại và cung ứng nhân lực - Thabilaco) và 26 doanh nghiệp của tỉnh ngoài đến liên hệ tuyển dụng lao động của tỉnh để đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các doanh nghiệp khi về tỉnh liên hệ đều được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu với Trung tâm Dịch vụ việc làm và các huyện, thành phố để tuyển chọn lao động; định kỳ thực hiện với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả và phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong việc tuyển chọn lao động để cùng thống nhất giải pháp tháo gỡ.

Lao động của tỉnh có mặt làm việc ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 3 nghìn lao động của tỉnh đi XKLĐ, trong đó thị trường lao động chủ yếu là Đài Loan (chiếm 46%), Nhật Bản (chiếm 30%), Hàn Quốc (chiếm 15%) và các nước khác (chiếm 9%). Đến nay, tỉnh Thái Bình có khoảng 15 nghìn lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2018 đã có 1.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Kiều hối từ nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại của tỉnh năm sau cao hơn năm trước (bình quân tương đương 1.700 tỷ đồng), trong đó chủ yếu từ XKLĐ.

Riêng đối với thị trường lao động Hàn Quốc (chương trình EPS - hệ thống cấp phép về vấn đề việc làm đối với lao động làm việc tại Hàn Quốc), năm 2018 Thái Bình có 4/8 huyện đang bị tạm dừng vì có số lượng lao động vi phạm hợp đồng cao hơn số đối tác cho phép (60 lao động/huyện). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các huyện, thành phố tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động, kết hợp các hình thức tuyên truyền để người lao động về nước đúng hạn; hướng dẫn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố gửi thư tới thân nhân người lao động, kêu gọi con em họ đã hết hạn hợp đồng lao động về nước, chấp hành theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp cùng cơ quan báo, đài địa phương tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở để tuyên truyền, vận động người lao động về nước.

Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động còn một số hạn chế, đó là: Chất lượng lao động đi xuất khẩu lao động còn hạn chế cả về sức khỏe, trình độ tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật; hoạt động , giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ chưa phát huy nhiều hiệu quả; công tác đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động của một số doanh nghiệp chưa được quan tâm thường xuyên; công tác tuyên truyền, vận động đối với lao động vi phạm hợp đồng chưa thu được nhiều kết quả; hầu hết lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và gia đình họ đều vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không nghĩ đến tương lai lâu dài; nhận thức của một bộ phận người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ, tâm lý muốn đi nhanh nên đã khoán trắng cho cán bộ tư vấn, tuyển dụng, làm phát sinh chi phí không chính thức; cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh cho lao động đi XKLĐ chưa kịp thời.

Để công tác xuất khẩu lao động của tỉnh thu được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần nâng cao , việc làm của người lao động và gia đình họ, phát triển kinh tế - chung của tỉnh, thời gian tới tỉnh Thái Bình cần quan tâm thực hiện một số giải pháp chính sau đây:

- Nâng cao vai trò, năng lực hoạt động của các ngành, đoàn thể ở tỉnh, huyện, thành phố và chính quyền địa phương cơ sở về công tác xuất khẩu lao động;

- Đổi mới hoạt động tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của xã hội và người lao động về chính sách xuất khẩu lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động, nhằm giảm số lao động vi phạm hợp đồng.  

- Lựa chọn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đủ năng lực, uy tín để giới thiệu đến tuyển lao động tại các huyện, thành phố; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công khai, minh bạch các điều kiện thủ tục, số lượng và các khoản chi phí để người lao động được biết đầy đủ thông tin và lựa chọn; hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tuyên truyền, tuyển chọn lao động;

- Bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ lao động của tỉnh về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết trước khi đi xuất khẩu lao động;

- Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn, nhất là công tác tuyển chọn, đào tạo lao động và thu phí dịch vụ của các doanh nghiệp để phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động.

PV

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.14334 sec| 646.117 kb