Liên quan đến việc ông Phạm Quốc Đạt (giáo viên Văn) trường THPT Võ Trường Toản -Quận 12 - TPHCM cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học có "cảnh nóng", sáng ngày 30/3 Ban giám hiệu trường đã có buổi trao đổi với báo chí để thông tin thêm về quyết định kỷ luật đối với ông Phạm Quốc Đạt - giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường.
Theo ông Lương Văn Định (Hiệu trưởng), việc ra quyết định kỷ luật ông Đạt ngày 21/1 bằng hình thức cảnh cáo trong 12 tháng căn cứ vào "sai phạm nghiêm trọng hoạt động chuyên môn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi hoạt động nghề nghiệp".
Trong chuyên môn, ông Đạt bị cho là tự ý thay đổi phân phối chương trình buổi thứ hai môn Văn, cho làm bài kiểm tra với nội dung không thống nhất với tổ chuyên môn. Khi được nhắc nhở về việc tổ chức sân khấu hóa môn Văn không thông qua tổ, thầy Đạt không nhận lỗi. "Chủ trương của trường không hạn chế sự sáng tạo trong dạy học của giáo viên, song phải có sự chuẩn mực nhất định. Tôi đã xem các video và không thể chấp nhận được những cảnh diễn đó", ông nói.
Cũng theo biên bản của trường, thầy Đạt đã đi trễ 16 lần trong học kỳ 1. Ngoài ra, ông Đạt còn bị cho là xúc phạm danh dự, nhân phẩm một đồng nghiệp trong trường, phát ngôn không chuẩn mực khi nói "nhà trường như nhà tù".
"Trước khi quyết định cảnh cáo, nhà trường đã nhắc nhở nhiều lần thầy Đạt. Nếu thầy lắng nghe chân tình và cầu thị thì sẽ không có hậu quả hôm nay", ông Định nói và cho biết ông và nhiều giáo viên cảm thấy tổn thương bởi danh dự nhà trường đã bị xâm hại.
Khi nhà trường nhiều lần trao đổi, nhắc nhở, thầy Đạt không nhận lỗi, sửa sai. Để đưa đến quyết định này, nhà trường đã làm đúng quy định pháp luật về kỷ luật viên chức. Nhà trường đã gửi báo cáo lên Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) TPHCM về việc này.
Liên quan đến việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có "cảnh nóng", ông Lương Văn Định cho biết, nhà trường đã nhận được nhiều phản ảnh gay gắt của phụ huynh.
"Nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng tình với cách dạy học của thầy Đạt. Hơn nữa, việc tổ chức sân khấu hóa "cảnh nóng" này, thầy Đạt tự ý tổ chức và không hề có sự kiểm soát về nội dung.
Đến khi video dạy học sân khấu hóa được phán tán thì thầy giáo này có động thái ngăn chặn học sinh trả lời khi lãnh đạo nhà trường cần tìm hiểu thông tin vụ việc" - ông Định nói.
Nhiều thầy cô bày tỏ bức xúc với thầy Đạt khi nhiều lần vi phạm kỷ luật, chuyên môn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh sân khấu hóa các tác phẩm văn học có cảnh nhạy cảm.
Cô Nguyễn Thu Hà (giáo viên tổ Văn) cho biết, sau khi xem video các vở diễn của học sinh trong tác phẩm Quan Âm Thị Kính, Bỉ vỏ, Số Đỏ do thầy Đạt tổ chức, bà đã thốt lên: "Không tưởng tượng nổi học sinh có thể dàn dựng những cảnh trần trụi như vậy".
"Nguyên bản các tác phẩm không miêu tả chi tiết cảnh ân ái như học sinh sân khấu hóa. Tại sao một thầy giáo có thể cho học sinh làm việc đó? Học văn để làm người nhưng qua những cảnh đó học sinh sẽ học được những gì? Sáng tạo ở chỗ nào?", cô Hà nói.
Cô Nguyễn Thị Hồng Châu (Tổ trưởng tổ Văn) khẳng định việc thầy Đạt cho học sinh sân khấu hóa các tác phẩm không nằm trong kế hoạch và chưa được sự thống nhất của tổ chuyên môn.
Các tác phẩm Bỉ vỏ, Quan Âm Thị Kính không nằm trong chương trình chuẩn của lớp 11. Riêng tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng sách giáo khoa chỉ đưa vào trích đoạn Hạnh phúc một tang gia và không chứa các cảnh nhạy cảm như học sinh diễn.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hòa (giáo viên tổ Địa lý) nói thấy "bất bình" với thầy Đạt, không chỉ qua sự việc cảnh nhạy cảm trong giờ ngoại khóa Văn, mà còn bởi thầy Đạt nhiều lần vi phạm kỷ luật: đi làm trễ, phát ngôn không chuẩn trên mạng xã hội.
"Tôi không muốn nhắc đến các đoạn video đó, mà tôi rất giận khi thầy cố tình lèo lái dư luận, bắt học sinh lừa dối ban giám hiệu", cô Hòa nói.
Không được mời đến buổi làm việc, ông Phạm Quốc Đạt tỏ ra bức xúc, phủ nhận những sai phạm mà nhà trường "áp đặt" để kỷ luật mình.
Ông khẳng định chỉ đi dạy trễ 4 lần và không có lời lẽ xúc phạm người khác. Việc tổ chức sân khấu hóa môn Văn cũng là hoạt động ở tiết thứ hai. Theo quy định, giáo viên được tự tổ chức nên việc làm của ông là đúng, không phải xin phép tổ chuyên môn.
"Các cảnh diễn được học sinh sáng tạo dựa trên hiệu ứng chiếu bóng nên không có sự va chạm xác thịt. Tôi sẵn sàng đối chiếu giữa nguyên tác và những cảnh học sinh tái hiện. Dĩ nhiên từ câu chữ trên mặt giấy chuyển thể thành tác phẩm kịch thì sẽ có một khác biệt trong lời thoại, hành động", ông nói.
Nêu quan điểm về sự việc, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết ủng hộ cách đổi mới sáng tạo trong dạy học của giáo viên nhưng không được làm tùy tiện. "Hoạt động ngoại khóa của giáo viên phải được thiết kế trong kế hoạch và thông qua các tổ chuyên môn trước khi triển khai", ông nói.
Về những phân cảnh nhạy cảm của học sinh, ông này cho rằng phải đánh giá tùy vào không gian, bối cảnh, trình độ của giáo viên hướng dẫn và mục đích là dạy học, chứ không thể phán xét về hình thức.
H.A (TH)