Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thí sinh gian lận điểm: Ý kiến trái chiều việc có phải trả lại tiền học phí cho các trường công an, quân đội?

Thí sinh gian lận điểm: Ý kiến trái chiều việc có phải trả lại tiền học phí cho các trường công an, quân đội?
Thời gian gần đây, dư luận đang bức xúc về vụ việc gian lận điểm thi tại kì thi THPT Quốc gia năm 2018. Một câu hỏi được đặt ra đối với thí sinh gian lận theo học tại các trường Công an, Quân đội có phải trả lại học phí?

Tại Hòa Bình có 28 thí sinh, Sơn La có 23 thí sinh được Bộ Công an trả hồ sơ về địa phương. Ngoài ra, có rất nhiều thí sinh khác ở các trường thuộc ngành quân đội. Câu hỏi rất nhiều người đặt ra, những thí sinh học tại các trường ngành công an, quân đội được trả về địa phương có phải hoàn trả lại tiền phụ cấp mà trong thời gian trước đó những thí sinh này đã được nhận?

Về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Tiến sĩ Đặng Công Cường, Phó trưởng Khoa Luật Hành chính, trường đại học Luật - đại học Huế.

Thí sinh gian lận điểm: Ý kiến trái chiều việc có phải trả lại tiền học phí cho các trường công an, quân đội?
Luật Sư Bùi Đình Ứng

Thưa hai ông, thời gian vừa qua dư luận hết sức búc xúc về việc các thí sinh gian lận điểm đỗ vào các trường Đại học danh tiếng, đặc biệt là các trường công an, quân đội. Suy nghĩ của các ông thế nào về cách xử lý đối với các thí sinh này?

Luật sư Ứng: Theo tôi được biết, những trường hợp thí sinh gian lận, có kết luận của cơ quan chức năng xác định điểm thi của thí sinh không đủ điểm để đỗ tại các trường đại học do gian lận thi cử thì thí sinh đó sẽ không được học và bị hủy bỏ kết quả trúng tuyển. Đặc biệt là các thí sinh theo học tại các trường công an, quân đội vẫn bị cho ra khỏi ngành dù điểm thật có đủ đỗ hay không. Đây là cách làm quyết liệt!

Tiến sĩ Cường: Những thí sinh bị phát hiện điểm thi, theo học tại các trường công an, quân đội bị trả về địa phương là đúng theo quy định của pháp luật, của ngành Giáo dục.

Quy định của các trường công an, quân đội là mỗi học viên khi theo học tại trường sẽ được hưởng một khoản trợ cấp, được hưởng biên chế chính thức trong ngành (trừ trường hợp bị đuổi). Vậy nếu các thí sinh gian lận điểm bị trả về địa phương, thì số tiền trợ cấp, chi phí sinh hoạt trong khoảng thời gian học phải làm thế nào?

Luật sư Ứng: Trong trường hợp này, các thí sinh đang theo học các trường công an, quân đội được cấp quân tư trang, đồ dùng cá nhân, được trợ cấp ăn nghỉ, sinh hoạt phí trong thời gian học tập, thì nhà trường có quyền yêu cầu thí sinh đó phải bồi hoàn lại số tiền chi phí đào tạo mà nhà trường đã chi phí cho các thí sinh này để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.

Tiến sĩ Cường: Trước hết, đây là lỗi của người quản lý, trước khi các thí sinh nhập học vào trường đã không làm tròn trách nhiệm trong việc điều tra lý lịch ngọn ngành, vì thế thí sinh gian lận đấy không hoàn toàn phải có trách nhiệm phải hoàn trả lại học phí và phụ cấp mà trước đấy các học viên được nhận lại cho nhà trường. Đây là bãi bỏ chứ không phải hủy bỏ, nên nhà trường cũng không thể bắt thí sinh bồi thường được. Mà bên làm sai phải có trách nhiệm.

Vậy theo hai ông, các thí sinh gian lận điểm thì ai là sẽ người có trách nhiệm hoàn trả khoản phí này lại cho nhà trường?

​Luật sư Ứng: Theo quan điểm của tôi, những thí sinh theo học tại các trường công an, quân đội mà bị trả về địa phương do phát hiện gian lận điểm thi, ngoài việc phải trả lại quân tư trang lại cho nhà trường, thì tiền trợ cấp, tiền phụ cấp hàng tháng nên do phụ huynh của những em thí sinh này là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc hoàn trả lại tiền. Mặc dù chưa có kết quả kết luận từ phía Cơ quan điều tra, tuy nhiên theo tôi phụ huynh nên chủ động về việc hoàn trả này đối với nhà trường.

Tiến sĩ Cường: Theo quy định, Cơ quan chức năng phải điều tra tìm ra chính những người trực tiếp nâng điểm cho thí sinh phải là người chịu trách nhiệm hoàn lại số tiền học phí này lại cho nhà trường, tránh thiệt hại cho nhà nước. Đây mới là đối tượng đầu tiên gây ra mọi chuyện.

PV: Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi!

Luật Sư Quách Thành Lực, Đoàn TP. Hà Nội cũng đưa ra ý kiến: “ Về nguyên tắc tài chính là phải thu hồi lại, nhưng có một vấn đề ở đây là khi thi tuyển vào nhiều thí sinh không biết mình làm sai, thì người bồi thường chính là những người trực tiếp sửa điểm cho các thí sinh. Những người này đã gây ra thiệt hại cho nhà nước, những người này mới phải bồi thường thiệt hại, họ vừa phải chịu trách nhiệm , vừa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho trường học”.

Đối với chi phí đào tạo của giáo dục đại học thì hiện nay căn cứ vào Luật giáo dục đại học 2012 thì chưa có quy định cụ thể về vấn đề trả lại chi phí đào tạo. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 71 của Luật này quy định về trường hợp xử lý vi phạm, cụ thể đối với trường hợp làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc các vi phạm pháp luật khác về giáo dục đại học thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính; cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. ​

Như vậy, mặc dù không có quy định cụ thể về việc hoàn trả lại chi phí đào tạo đối với các thí sinh gian lận điểm thi nhưng các trường đại học hoàn toàn có thể căn cứ vào Điều 71 Luật giáo dục đại học năm 2012 để yêu cầu các thí sinh này bồi thường thiệt hại vì có hành vi gian lận điểm thi, trong đó có thể yêu cầu bồi thường về các chi phí đào tạo, trợ cấp,….theo quy định.

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.60628 sec| 654.586 kb