Thành phố Hà Nội đã ra văn bản chính thức mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Và một trong số lý do khiến Hà Nội đưa ra quyết định này đó là việc sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.
Quyết định thay đổi một sở thích “ăn sâu bám rễ” của người dân, thậm chí còn được coi là tục lệ với nhiều vùng tất nhiên sẽ không đơn giản và gây nhiều ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, trong câu chuyện loại bỏ thịt chó này, điều khiến nhiều người trở nên hậm hực, bức xúc không hẳn nằm ở bản chất sự việc mà chính là ở lý do đưa ra cho việc “nói không với thịt chó”: Thiếu văn minh và gây phản cảm.
Thừa nhận, ở nhiều nước phương Tây, chó rất được yêu mến, thậm chí được gọi bằng đại từ trân trọng dành cho con người: anh ấy, chàng ấy. Vì quan niệm như vậy nên họ nhìn những nơi dùng chó làm thức ăn thì sợ hãi và kỳ thị. Đó là quan điểm riêng chứ không nên “nâng tầm” lên thành chuyện văn minh.
Bởi nếu theo logic đó thì những quốc gia không ăn thịt bò, thịt heo vì tôn giáo của họ sẽ nhìn các nước phương Tây chỉ kiêng mỗi thịt chó ra sao? Cũng là một sự kém văn minh chăng?!
Và sẽ lý giải ra sao khi trên thế giới có rất nhiều quốc gia văn minh hàng đầu vẫn dùng thịt chó? Hay chuyện ngay tại những quốc gia không ăn thịt chó vẫn có những vùng, bang coi thịt chó đơn thuần chỉ là thực phẩm.
Ngay tại các quốc gia yêu các loài động vật nuôi trong nhà như chó, mèo cũng vẫn phân chia bò nuôi để ăn thịt với bò nuôi để lấy sữa, ngựa nuôi lấy thịt với ngựa đua... Cùng là loài vật đó, con nuôi để lấy thịt, con nuôi chỉ để đua, sao vẫn so đo vậy? Có chăng tất cả chỉ là quan niệm.
Bảo rằng ăn thịt chó là phản cảm, giết mổ chó là vô nhân đạo. Nói như vậy, có công bằng không khi sao lợn, gà, bò, dê… lại hiển nhiên được mặc định là thứ thực phẩm phục vụ con người. Cùng là động vật thì con nào cũng cần được đối xử nhân đạo như nhau trước khi "chuyển kiếp".
Vậy nên, nói về chuyện nhân đạo với động vật, có lẽ sẽ hợp lý hơn khi khuyến cáo người dân, cơ sở kinh doanh không hành hạ hay giết chó cũng như các loài súc vật khác một cách dã man, tàn bạo, có nhiều người chứng kiến... Đây cũng là điều được nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm và gây hiệu ứng tốt.
Việc tuyên truyền để hạn chế giết thịt chó có lẽ chỉ nên dừng lại ở lý do nhằm phòng bệnh dại thì đúng và hợp lý. Bởi đây là sự thực hiển nhiên và không ai có thể chối cãi!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vũ Thu Hương