Theo báo Tiền Phong, ông Hoàng Phước Đông (SN 1959, ở thôn Bình An, xã Phong Xuân) là nhân viên Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cho biết, trạm bảo vệ rừng 67 mà đoàn công tác Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế dừng chân đêm 12/10 bị núi lở khiến 13 người gặp nạn là nơi ông thường lưu lại khi vào rừng.
Ông Đông cho biết, mới đợt bão số 5 vừa qua, ông đã ngủ tại Trạm Kiểm lâm số 7, mà không thấy bất cứ hiện tượng gì, không có tiếng ì ầm của nứt núi. Tuy nhiên, đêm xảy ra thảm họa 12/10 khiến 13 người bị vùi lấp, ông đã không ngủ lại tại đây.
![Thủy điện Rào Trăng 3: Nhân viên trạm kiểm lâm 67 'lạnh người' khi chứng kiến hiện trường](/upload_images/images/2020/10/17/nh%C3%A2n%20vi%C3%AAn%20tr%E1%BA%A1m%20ki%E1%BB%83m%20l%C3%A2m.jpg)
Theo báo Công an nhân dân, Ông Đông kể trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở, địa bàn xã Phong Xuân có mưa rất lớn. Như công việc mọi ngày, trong sáng 12/10, ông Đông cùng với ông Hồ Ấn là nhân viên của Trạm chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, sau đó chạy xe máy theo tuyến đường 71 vào Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67.
Tuy nhiên, khi đang trên đường vào Trạm, nhận thấy mưa lớn, nguy hiểm nên ông Đông và ông Ấn được lãnh đạo Trạm thông báo thời tiết có mưa lớn, diễn biến phức tạp nên 2 người đã xin phép để quay trở về nhà.
“Sau khi trở về nhà không bao lâu thì tôi nhận được thông tin là đoàn công tác có 13 người nghỉ dừng chân trong đêm tại Trạm bị sạt lở đất chôn vùi. Nghe tin này mà tôi thật sự xót xa, bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Bởi nếu lúc đó tôi và đồng nghiệp không quay trở ra thì chắc chắn cũng sẽ không còn ngồi ở đây để nói chuyện với các anh nữa rồi…”, báo Công an nhân dân trích lời ông Đông.
Ngay sau khi nhận được tin báo, ông Đông đã lên đường cùng lực lượng chức năng tiếp cận, xác định hiện trường gặp nạn. Sau nhiều giờ băng đèo, lội suối, ông Đông cùng mọi người tiếp cận hiện trường Trạm bảo vệ rừng 67 – nơi có 13 cán bộ cứu hộ gặp nạn.
“Tôi đã lạnh người khi tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát. Châm vội điếu thuốc đưa lên miệng và trấn tĩnh lại, tôi mới nhận ra rằng, mình đã may mắn thoát nạn. Là người có hơn 4 năm sống và làm việc tại đây, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Nó chẳng khác gì hậu quả của một trận động đất có cường độ lớn”, ông Đông chia sẻ.
Cũng theo ông Đông, trước mặt ông lúc này là một đống bùn đất, đá đổ nát. Khu nhà nghỉ, nhà làm việc của các nhân viên bảo vệ rừng trong phút chốc chỉ còn là một bãi đất tan hoang, không còn vết tích. Sau đó, ông Đông đã định hình và đánh dấu vị trí của ngôi nhà của trạm- nơi đang vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ của đoàn cứu hộ để lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân.
Đến 18h20 ngày 15/10, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác tìm kiếm, đưa thi thể 13 cán bộ hy sinh về tại Bệnh viện Quân y 268.