Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tinh trùng có được coi là di sản thừa kế không?

Tinh trùng có được coi là di sản thừa kế không?
Đây là câu hỏi được đặt ra tại trường hợp của người mẹ (bà Huyền) tại TP. HCM có người con (Anh B) đã qua đời, và người con trước khi mất đã gửi tinh trùng của mình tại Bệnh viện.

Sau khi con mất, vì muốn có cháu nối dõi, người mẹ đã đến xin lại tinh trùng của con để đưa cho chị A (bạn gái của Anh B, đã tổ chức đám cưới nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn thì B mất) để cấy. Nhưng Bệnh viện yêu cầu có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu giữ là tài sản mà người mẹ được thừa kế từ con trai đã qua đời của mình thì sẽ trả lại.

Người mẹ đã đến Phòng Công chứng và nhận được câu trả lời rằng, mặc dù vấn đề này mang tính nhân đạo liên quan đến cuộc đời của cá nhân và gia đình, tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới mà pháp luật chưa có quy định hướng dẫn nên cần có sự cân nhắc và bàn bạc của các cơ quan liên quan.

Sau đó, người mẹ có đơn gửi bệnh viện xem xét ở một góc nhìn khác về pháp luật thừa kế để giải quyết. Cụ thể, sau khi tham khảo ý kiến , bà cho rằng với tư cách là mẹ ruột, là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh B, bà được quyền yêu cầu Bệnh viện trao lại cho bà mẫu tinh trùng của con trai để bà “hưởng thừa kế” vì đây là di sản do con bà để lại.

Theo quan điểm thứ nhất thì tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Khái niệm vật được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất, bao gồm động vật, thực vật và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Vật tồn tại một cách khách quan mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan của mình. Nói dễ hiểu, vật là thứ mà con người có thể nhìn thấy được, nếm ngửi được, cầm nắm được, sờ mó được...

Theo đó, tinh trùng thỏa mãn đủ các dấu hiệu của vật và được xác định là tài sản theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Và theo Điều 612 BLDS 2015, “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Tinh trùng là tài sản nên khi người để lại tinh trùng qua đời thì nó trở thành di sản.

Theo quan điểm thứ hai từ TS Nguyễn Phương Lan, Giảng viên chính Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội có trao đổi rằng: Những bộ phận của cơ thể con người như tim, gan, phổi, thận... và kể cả tinh trùng đều không thể được coi là một loại hàng hóa hay tài sản để có thể trao đổi, chuyển nhượng vì đó là việc làm phi đạo đức.

Và vì bộ phận cơ thể người không thể được coi là một loại hàng hóa, hay tài sản nên cũng không thể là tài sản thừa kế. Như vậy, có thể trả lời tinh trùng – một phần của cơ thể con người - không phải là một loại tài sản nên không thể là đối tượng được thừa kế.

Trao đổi với PV PhapluatNet về vụ việc, Ths Thân Văn Tài, Giảng viên trường Đại học Luật – ĐH Huế cho biết: Xét theo khía cạnh pháp lý của vụ việc này cẩn có sự nhìn nhận cẩn trọng. Trước hết, việc giữ tinh trùng của bệnh viện, theo nguyện vọng của gia đình bà Huyền, đương nhiên phải được hiểu là tạo cơ hội cho một đứa trẻ ra đời trong tương lai. Chứ không phải là giữ mãi, không giao trả.

Tinh trùng có được coi là di sản thừa kế không?
Ths.Thân Văn Tài, Giảng viên trường Đại học Luật - Huế

Việc bệnh viện chuyển giao lại tinh trùng cho gia đình bà Huyền có thể được thực hiện theo cách chuyển giao di sản thừa kế, cũng có thể chuyển giao nó như là việc thực hiện một nghĩa vụ theo hợp đồng gửi vật đã xác lập từ trước. Vật ở đây có thể là vật ở phương diện kinh tế, tức là một dạng tài sản. Cũng có thể đơn thuần là vật ở phương diện vật lý, tức không nhất thiết phải là tài sản. Nhưng nó là đối tượng của giao dịch gửi vật, cho nên phải đặt ra trách nhiệm chuyển giao vật đó, theo tâm nguyện của chủ thể hợp đồng. Nếu con trai bà Huyền khi còn sống, giả định đã có một người vợ hợp pháp, thì người vợ đó là người được cho là đủ tư cách lên tiếng, do lợi ích có thể bị ảnh hưởng khi giao tinh trùng hợp pháp của chồng mình, cho một người không phải là mình. Tuy nhiên, nếu không có một người vợ hợp pháp như vậy, bà Huyền là mẹ, sẽ là người có tư cách, và xứng đáng nhất việc nhận lại tinh trùng đó.

“Cô con dâu” mới cưới, chưa kịp đăng ký kết hôn củả bà Huyền cũng thể hiện tính tự nguyện trong việc sinh cháu cho bà Huyền, cho nên không có gì trái luật pháp hay đạo lý gì ở đây. Đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu gia đình phải chứng minh quá nhiều vấn đề có thể sẽ can dự thái quá vào những chuyện tình cảm riêng tư của gia đình.

Pháp luật hay đạo đức cuộc sống không hề cấm cũng như lên án chuyện vợ chưa kịp kết hôn, sinh cho gia đình chồng một đứa trẻ nối dõi máu mủ. Thậm chí phải coi đó là chuyện nhân ái, nhân văn, giàu đức hy sinh. Pháp luật hay cuộc sống chỉ cấm và lên án những người đã có vợ, có chồng nhưng sống chung với người khác như vợ chồng, hoặc có những hành vi bất chính, bất nghĩa khác chứ không hề cấm chuyện này. Do vậy, chuyện trả lại tinh trùng cho bà Huyền là nên làm, và phải làm, theo cách nào cho minh bạch và thuận tiện nhất, ít xung đột lợi ích nhất có thể.

Nhiều người cho rằng tinh trùng không là di sản thừa kế, và tôi tôn trọng ý kiến học thuật nghiêm túc đó. Tuy vậy, như đã nói, chúng ta hoàn toàn vẫn thấy được trách nhiệm trả lại tinh trùng của bệnh viện, kể cả khi không cần đặt ra vấn đề tinh trùng có là di sản thừa kế hay không; bởi nhìn theo cách thức khác nó là một nghĩa vụ của hợp đồng. Bà Huyền không có quyền nhận lại, thì bệnh viện lại càng không có quyền giữ. Vì lẽ đơn giản, giữ để làm gì, nếu không phải để nhằm cho một đứa trẻ ra đời? Do vậy theo tôi, để tăng tính ngay tình của việc chuyển giao vật, bệnh viện cần công khai việc đó, nếu không có ai cho rằng bị xung đột lợi ích do việc chuyển giao đó gây ra. Theo lý lẽ hợp lý và mang giá trị nhân văn, thì bệnh viện nên chuyển giao cho gia đình, đáp ứng tâm nguyện của họ.

Hà Tùng

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22041 sec| 657.797 kb