Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

TPCN An Phế Khang có thực sự tốt như những lời quảng cáo?

TPCN An Phế Khang có thực sự tốt như những lời quảng cáo?
Mặc dù chỉ là TPCN nhưng sản phẩm An Phế Khang do Công ty TNHH Mộc Hoa Đường phân phối lại được quảng cáo, giới thiệu như một loại thuốc có tác dụng đặc trị viêm họng mãn tính, viêm họng hạt, viêm amidan?

Vừa qua, PhapluatNet nhận được phản ánh của về sản phẩm có tên là An Phế Khang do Cty Cổ phần Truepharmco, địa chỉ ở thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội sản xuất và được phân phối rộng rãi ra thị trường bởi Công ty TNHH Mộc Hoa Đường. Sản phẩm này được Cục An toàn thực phẩm xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm, thuộc nhóm "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe" theo văn bản số 25847/2017/ATTP-XNCB ngày 31/07/2017.

TPCN An Phế Khang có thực sự tốt như những lời quảng cáo?
Trên các website, sản phẩm An Phế Khang luôn quảng cáo có thể trị dứt điểm được viêm họng

Điều đáng nói ở đây là, sản phẩm An Phế Khang này không được rao bán cố định trên một trang web nào. Chỉ cần đánh từ khóa An Phế Khang chúng ta có thể thấy một loạt các trang web rao bán sản phẩm An Phế Khang với công dụng thần dược hay như một thảo dược bí truyền.

Cụ thể, trên website:  http://www.dongyvn.net,  http://www.dutdiemviemxoang.com, http://www.suckhoeantam.com, http://www.tridutdiemviemhong.com/,  https://www.sendo.vn , ngoài ra, còn quảng cáo trên trang mạng facebook, zalo giới thiệu về sản TPCN An Phế Khang được quảng cáo với đủ các loại công năng như một loại thuốc có khả năng "đặc trị", "điều trị", "đặc trị" bệnh viêm họng mãn tính, viêm họng hạt, viêm amidan lâu năm…

TPCN An Phế Khang có thực sự tốt như những lời quảng cáo?
Quảng cáo của An phế khang có dẫn lời của PGS.TS Nguyến Thế Thịnh?

Theo tìm hiểu của PV, trên các trang rao bán nội dung giới thiệu sản phẩm "An Phế Khang" không giống như với thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà dễ gây lầm tưởng đấy là một loại thuốc đặc trị chữa bệnh. Cụ thể, sản phẩm này quảng cáo như một loại "thuốc" với công dụng "trị dứt điểm", "đặc trị 100%" bệnh viêm họng hạt, viêm amidan mãn tính.

Nghiêm trọng hơn, theo lời giới thiệu trên trang tridutdiemviemhong.com, sản phẩm An Phế Khang được mượn lời người khác quảng cáo có thể đặc trị chữa được viêm họng như: “Trong suốt những năm qua, PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh luôn đi sâu nghiên cứu các phương pháp điều trị viêm họng. Quan điểm của ông là ưu tiên điều trị bảo tồn, kết hợp hài hòa giữa Y học Cổ truyền và Y học hiện đại để đưa ra bài thuốc Đông Y Gia Truyền chữa dứt điểm bệnh viêm họng hiệu quả nhất có thể. Đặc biệt, có thể kể tới một trong những công trình nghiên cứu xuất sắc nhất của ông thuốc Đông y gia truyền chữa dứt điểm viêm họng hạt bằng An phế khang được chiết xuất từ thành phần tự nhiên, không gây bất cứ phụ nào cho người sử dụng”.

Mặc dù trong Điều 3 - Thông tư 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế có ghi rõ một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm là: "Sử dụng hình ảnh, uy tín, của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm". Nhưng trong video tại một số website trên đều sử dụng hình ảnh của PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh - Trưởng bộ môn ngoại Y học cổ truyền của Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, nói về sản phẩm An phế khang?

TPCN An Phế Khang có thực sự tốt như những lời quảng cáo?
Tự quảng cáo là đã có hàng trăm nghìn người sử dụng sản phẩm An Phế Khang và đã thành công

Kèm theo đó là hàng loạt tin nhắn, của khách hàng nhận xét về sản phẩm, trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây ra. Đó cũng chính là lý do để nhân vật viết thư cảm ơn, chia sẻ với người khác. Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của khách hàng đã sử dụng sản phẩm.

Trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00021/2018/ATTP-XNQC, do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp ngày 05/01/2018 cho tổ chức, cá nhân là Công ty TNHH Mộc Hoa Đường thì sản phẩm An Phế Khang được quảng cáo dưới các hình thức quảng cáo, như: Quảng cáo trên các website; quảng cáo bằng băng rôn; quảng cáo bằng màn hình điện tử; quảng cáo trên báo chí; quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô; quảng cáo tại các nhà chờ, điểm bán vé xe buýt; sử dụng trong hội thảo, hội nghị, sự kiện, nhà thuốc...

Cũng trong nội dung maket được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) duyệt đính kèm theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cấp cho Công ty TNHH Mộc Hoa Đường hoàn toàn không có thông tin, hình ảnh nào thể hiện sản phẩm An Phế Khang có công dụng, khả năng "đặc trị", "điều trị", "chữa bệnh" viêm họng, viêm amidan, viêm họng hạt, mà chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ bổ phế, hỗ trợ giảm ho, hỗ trợ giúp long đờm. Hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, đau rát họng, ho do thay đổi thời tiết, ho do cảm, cảm lạnh, chảy nước mũi, sổ mũi cùng khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Để khách quan và rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với bà Lê Thị Thu Hằng, giám đốc công ty TNHH Mộc Hoa Đường, bà Hằng cũng xác nhận phía công ty Mộc Hoa Đường đang phân phối sản phẩm An Phế Khang của Cty Cổ phần Truepharmco. Khi được hỏi về vấn đề quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, bà Hằng cho biết việc này không kiểm soát được vì các website đã tự ý quảng cáo trên mạng?

Câu hỏi khiến dư luận đặt ra là việc từ đâu một thực phẩm bảo vệ sức khỏe như "An Phế Khang" lại được giới thiệu, quảng cáo là điều trị dứt điểm như thuốc chữa bệnh? Liệu sản phẩm này có an toàn với sức khỏe người tiêu dung như quảng cáo? Cục An toàn thực phẩm cùng các cơ quan có thẩm quyền có biết việc này hay không?

Thông tư số: 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế:
Điều 3 . Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm:
1. Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.
3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.
5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.

Nhóm PV

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.15158 sec| 658.836 kb