Theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, các trường hợp F1 được cách ly tại nhà phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với SARS-COV-2 trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR.
F1 cách ly tại nhà là những người được xác định tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với SARS-CoV-2 (trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR) và thuộc một trong các nhóm tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 nhưng không thường xuyên, người làm việc cùng phòng với ca bệnh ở những vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Những người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Việc cách ly F1 tại nhà phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như đảm bảo phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung gia đình. Người cách ly không ra khỏi phòng; không tiếp xúc người trong gia đình và vật nuôi.
F1 luôn cài và bật ứng dụng khai báo y tế như VHD (Vietnam Health Declaration), Bluzone; tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe...
Công tác lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly được thực hiện ít nhất 5 lần vào ngày 1, 7, 14, 20 và 28 từ khi bắt đầu cách ly. Các trung tâm y tế tại địa phương thí điểm sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly.
Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra các khu cách ly tập trung.
Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Đối với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), việc cách ly các trường hợp F1 tại nhà tương tự ở khu vực có nguy cơ cao.
Tính đến trưa 10/7, số ca mắc COVID tại TPHCM đã tăng vọt lên 11.415 trường hợp. Trong vòng 6 ngày (từ 3 -9/7), TPHCM đã ghi nhận 5.000 ca bệnh. Trung bình mỗi ngày, TPHCM ghi nhận trên 800 ca mới.
UBND TP.HCM yêu cầu các trung tâm y tế địa phương chỉ đạo, giám sát trạm y tế hằng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người dân cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được. Đồng thời, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà.