Không khí Tết về sớm tại nhiều nhà vườn ở Văn Giang (Hưng Yên) khi các đoàn xe nối đuôi nhau chở cây về các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng,... để tiêu thụ, còn chủ vườn thì bận rộn từ sáng tới tối để chăm sóc, tưới tắm, tỉa lá tỉa cành,... Những khu vườn bạt ngàn cây cảnh, nhiều cây khách đặt trước đã được đánh dấu vào chậu, sẵn sàng phục vụ người chơi.
Các loại cây quý hiếm, có thế độc lạ bắt đầu được giới sành cây cảnh săn lùng. Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nay, loại trà cổ có tuổi đời lâu năm, thế cây “chất”, phong thủy đẹp đang là thú chơi thịnh hành.
Anh Chử Văn Biên (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, sở dĩ trà cổ được ưa chuộng là do hoa trà nở những bông to, mùi thơm dịu nhẹ với nhiều màu sắc khác nhau rất đẹp mắt. Một năm, cây trà thường ra một vụ hoa nhưng nở rất bền, đẹp, mỗi lứa kéo dài trong khoảng 3-4 tháng.
Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại trà cổ như: trà phấn hồng, trà lựu, trà bạch nhụy, trà thâm, trà vàng… mỗi loài hoa lại có một vẻ đẹp khác nhau. Trong đó, cây trà càng có tuổi đời lâu năm, hoa đẹp, dáng thế độc lạ càng được trả giá cao.
Hiện nay, tại Văn Giang (Hưng Yên) những cây trà có tuổi đời từ 40-60 năm tuổi rất ít, chỉ còn sót lại trong một vài nhà vườn lớn. “Do giống trà có bộ rễ yếu, chịu nắng kém, kén đất trồng và rất khó nhân giống nên loại trà cổ thụ rất hiếm. Chính vì thế, mỗi cây hoa trà cổ, tuổi đời lâu năm thường được bán với giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”, anh Biên nói.
Chủ vườn này cũng cho hay, mỗi loại hoa trà có ý nghĩa biểu tượng riêng. Trong đó, loại trà vàng được mệnh danh là “nữ hoàng”, với màu sắc như nắng vàng rực rỡ, mang đến sự may mắn. Trà bạch với màu trắng tinh khôi, cánh hoa dày, tròn đầy bung nở rực rỡ tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết. Ngược lại, trà lựu với cánh đỏ rực rỡ lại biểu tượng cho sự cao quý. Trước đây, trong nhà các vua quan, quý tộc thường hay trồng trà cảnh trong vườn như một biểu tượng cho cuộc sống giàu sang, tao nhã.
H.A (TH)