Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, cựu chiến binh Uông Xuân Lý (87 tuổi, ở khu tập thể khoa học công nghệ, phường Láng Thượng, Đống Đa, TP.Hà Nội) vẫn nhớ như in về chiến thắng hào hùng của dân tộc ta.
Ký ức về một thời khói lửa
Dù chiến tranh đã lùi xa hơn 60 năm nhưng ký ức về những ngày tháng kề vai, sát cánh cùng đồng đội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với ông Uông Xuân Lý, vẫn còn vẹn nguyên.
Khi trò chuyện với tôi, người cựu chiến binh của Sư đoàn 312 năm xưa như sống lại những kỷ niệm, những ký ức của một thời khói lửa. Ông nhớ từng đêm cùng đồng đội đào hầm, chia nhau từng nắm cơm, ngụm nước. Có những ngày, từng tràng đạn pháo từ các chiến hào bắn tới tấp... Những ký ức ấy được tái hiện một cách hào hùng, chân thực mà xúc động qua lời kể của ông.
Ông Lý kể cho tôi nghe về bài ca bất diệt của quân đội ta cũng như cuộc đời chiến chinh của mình. Nhập ngũ từ khi tuổi đời còn rất trẻ, ông sắp bút nghiên, tạm gác lại việc học hành rời ghế nhà trường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 16 thuộc Sư đoàn 312, quân tiên phong của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, Sư đoàn 312 đóng vai trò rất quan trọng, đi đầu toàn quân, đi trước mũi đạn của giặc. Trầm tư một lúc như để nhớ lại những ký ức xưa, ông cho biết: “Cứ điểm Him Lam được Bộ Chỉ huy mặt trận xác định là trận mở màn. Để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng. Kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu đều được vạch ra. Sư đoàn 312 được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam với sự hỗ trợ hỏa lực trọng pháo của Đại đoàn 351… Để chuẩn bị cho trận đánh mở màn này, bộ đội ta phải chuẩn bị cả tháng trời”.
Kể về quá trình tiếp cận đồi Him Lam, ông chia sẻ vì quá trình tiếp cận mục tiêu phải thật cẩn trọng nên ban ngày, bộ đội ta án binh bất động, tới đêm tiếp tục đào hầm đến đồi Him Lam. Rồi lúc đào, công sự bị địch phát hiện, chúng dùng súng bắn ra liên tiếp. Đêm 11/3/1954, Sư đoàn 312 đã dàn xong thế trận.
Đúng 17h05 ngày 13/3/1954, hơn 40 khẩu lựu pháo và sơn pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam. Bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân ta pháo kích vào khu vực phân khu trung tâm, sân bay và trận địa pháo địch, thêm một số máy bay trên sân bay Mường Thanh và một kho xăng bốc cháy. Các trận địa pháo của cụm cứ điểm Him Lam hầu như bị tê liệt. Chỉ huy cụm cứ điểm chết ngay từ loạt pháo đầu tiên.
Pháo dứt, bộ binh ta xông lên đột nhập vào cứ điểm 2 và 3. Đến 22h30, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam đã bị tiêu diệt. Kết quả, quân ta đã diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Trận thắng mở màn cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng vang dội chiều ngày 7/5/1954.
“Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt, nhất là trên hướng chủ yếu, khi tiến công cứ điểm 102. Đây là cứ điểm rắn nhất của trung tâm Him Lam, sư đoàn phải tung cả lực lượng dự bị vào tham gia chiến đấu, đồng thời có một mũi của Tiểu đoàn 128 đánh từ 101A sang phối hợp mới chiếm được cứ điểm cuối cùng này. Sau hơn 3 giờ đồng hồ chiến đấu kiên cường của quân ta, khoảng 23h30 cùng ngày, trận đánh kết thúc, trung tâm đề kháng Him Lam bị hoàn toàn xóa sổ. Hơn 200 tên lính Pháp bị chết, 270 tên bị bắt làm tù binh, tiểu đoàn lê dương số 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu”, ông Lý nhớ lại.
Những ngày cơm nắm chấm bùn
Nhớ lại những ngày tháng gian lao nhưng quá đỗi hào hùng, ông Lý tâm sự: “Cuộc sống của người lính ngày đó vô cùng vất vả và nguy hiểm. Có những hôm hành quân suốt ngày đêm không nghỉ, trên vai phải mang vác vũ khí, đạn dược mỏi rã rời nhưng không ai kêu ca dù chỉ một câu. Hành quân qua rừng, qua suối để lên được Điện Biên không phải dễ. Phải vượt qua bao con sông, con suối, đường đi thì gian nan đá nhọn hoắt ở mọi nơi, chỉ cần không cẩn thận sẽ giẫm vào chảy máu là chuyện thường. Chưa kể vào mùa mưa, vắt rừng nhiều vô kể. Chỉ cần chạm nhẹ vào lá cây ven đường thì lập tức chúng nhảy lên người bò vào mắt, mũi, tai…”.
Rồi những hôm đào công sự xuyên đêm, vừa phải đảm bảo năng suất, vừa phải nhẹ nhàng không để địch phát hiện nên nhiều khi, ông và đồng đội đều rất mệt vì đói, khát và kiệt sức nhưng vẫn cố gắng đào từng mét công sự để kịp cho trận đánh. Những lúc như vậy, ông và mọi người thường nghỉ luôn tại chỗ, ăn một nắm cơm và chút lạc rang muối mà đồng chí anh nuôi mang tới với đôi tay nhuốm đầy bùn đất.
Trong một lần chiến đấu, ông vô tình bị một mảnh đạn bắn sượt vào ngón trỏ tay bóp cò làm đứt gân. Ông tâm sự: “Hôm ấy lúc tôi đang ở trận địa giằng co từng mét vuông đất với địch thì vô tình bị mảnh đạn sượt qua ngón tay bóp cò làm ngón tay đó đứt gân. Lúc ấy, tôi nhịn đau cố gắng tiếp tục chiến đấu dù cho ngón bóp cò dường như không còn cử động được”.
Ông có thể kể vanh vách cho chúng tôi từng đêm phục kích đồn địch, nhớ như in khuôn mặt đồng đội chung chiến hào cùng ông năm xưa.
“Tôi chỉ mong có dịp được trở lại thăm chiến trường xưa để ôn lại những kỷ niệm hào hùng của dân tộc ta về một thời oanh liệt”, ông Lý bùi ngùi tâm sự.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sư đoàn 312 đã tham gia vào 7 chiến dịch lớn, lập được nhiều chiến công vẻ vang cho đất nước. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn 312 được vinh dự là đơn vị tham gia đánh trận mở màn vào cụm cứ điểm Him Lam, đồng thời cũng là đơn vị kết thúc chiến dịch, cắm lá cờ lên nóc hầm và bắt sống tướng Đờ-Cát, góp phần vào chiến thắng lịch sử.
Uông Đàm Linh