Ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940, nguyên giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngụ chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) về tội dâm ô với trẻ em.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Thủy vẫn một mực cho rằng mình bị oan, quanh co chối tội, khẳng định mình không hề ôm ấp, thực hiện hành vi dâm ô với các bé nhỏ như lời tố cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định sửa bản án sơ thẩm, cho rằng chưa xác định được hành vi phạm tội của Nguyễn Khắc Thủy trong vụ bé H.A, riêng vụ bé D. đã có đủ chứng cứ kết tội. Đồng thời, xét thấy Thủy tuổi cao sức yếu, là cán bộ Đảng viên, có nhiều đóng góp cho địa phương nên HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy tội dâm ô với trẻ em với mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Sau khi phiên xử phúc thẩm vụ án kết thúc, dư luận cả nước, đặc biệt là những người có con nhỏ, đã bức xúc trước quyết định giảm án của HĐXX. Đa số các quan điểm cho rằng bản án không mang tính răn đe đối với bị cáo, đồng thời không đủ sức để phòng ngừa những trường hợp khác.
Chị Trương Nam Thi, mẹ của một nạn nhân được cho là bị ông Thủy dâm ô trong vụ án khác cho biết bản thân con chị là nhân chứng của vụ việc, nhưng chị không nắm được thông tin về ngày xử phúc thẩm. Chị chỉ biết lịch xét xử khi đến VKS TP Vũng Tàu để hỏi.
Ngày 11/5, con gái chị thi nên phiên tòa diễn ra được nửa chừng, chị mới đưa bé tới để làm nhân chứng.
Theo dõi phiên xử và nghe tòa tuyên bản án 18 tháng tù treo cho bị cáo, chị xót xa: “Cách đây 2 năm, tôi từng nói rằng, dù có hay không công lý trong vụ án này, tôi vẫn theo đuổi để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm làm mẹ và trách nhiệm với những nạn nhân khác. Hôm nay, khi nghe tòa tuyên án, tôi không khóc được nhưng trong lòng vỡ vụn”.
Theo ý kiến của chị Trần Thị Trang (TP Vũng Tàu), việc HĐXX giảm án cho ông Thủy là bản án không nghiêm minh, bởi hành vi dâm ô là hành vi khó phát hiện, khó có chứng cứ cụ thể, tuy nhiên đã có rất nhiều đứa trẻ và gia đình đứng ra tố cáo hành vi này nên có cơ sở để khẳng định có vụ việc đó. Tuy nhiên, do việc thu thập chứng cứ khó khăn nên chỉ xác định được 2 vụ. Vụ án kéo dài và nhiều ý kiến chỉ đạo từ các cấp cao hơn khiến dư luận bức xúc, công an và các cơ quan tố tụng cũng mất 2 năm mới đưa vụ án ra xét xử, nhưng đến cấp phúc thẩm bị cáo lại được hưởng án treo thì không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không đủ sức răn đe và ngăn ngừa.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM, cựu thẩm phán có nhiều năm làm công tác xét xử, nhận định: “Trường hợp này, cấp phúc thẩm nêu nhân thân bị cáo là Đảng viên để cho hưởng án treo là không phù hợp. Quy định về hưởng án treo không có nêu là Đảng viên. Tòa phúc thẩm có thể xem xét về việc bị cáo tuổi cao để cho hưởng áo treo theo quy định Luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Tuy nhiên, với vụ việc được dư luận quan tâm thì HĐXX cần thận trọng khi cho hưởng án treo”.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: “Việc tòa án cấp sơ thẩm xử án tù 36 tháng đã nhẹ nhưng lên phúc thẩm tòa án lại giảm án xuống còn 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là chưa bảo đảm sức răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật”.
Theo luật sư Hùng, những người như bị cáo Thủy cần phải tách ly ra khỏi xã hội một thời gian nhất định. Việc xâm hại đến trẻ em sẽ để lại nhiều hậu quả không lường trước, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ sau này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng việc giảm án của HĐXX là có căn cứ. Theo luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn luật sư TP HCM), nếu HĐXX nhận định chỉ làm rõ được hành vi xâm hại của bị cáo đối với một trường hợp thì có căn cứ để giảm án. Bởi bị cáo đã được chuyển từ khoản 2 điều 116 BLHS xuống khoản 1. Theo quy định, thì khoản 1 sẽ có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Và nếu tiếp tục căn cứ theo những tình tiết giảm nhẹ, thì HĐXX có thể căn cứ theo điều 60 BLHS để chuyển từ án tù sang án treo.
Tú An (TH)