Tới ngày 7/4, 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã cho phép học sinh các cấp Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông đi học trực tiếp trở lại. Riêng tại Hà Nội, ngày 6/4, là ngày đầu tiên học sinh tiểu học và lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian dài tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tình hình học sinh đi học trong cả ngày 6/4 (bao gồm cả ca sáng và ca chiều) cho thấy, tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường học trực tiếp rất cao. Cụ thể, tỷ lệ học sinh học trực tiếp đạt 92,05% ở cấp Tiểu học; 93,11% ở cấp trung học cơ sở và 96,15% ở cấp trung học phổ thông.
Hà Nội cũng là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số ca COVID-19 trong nhiều tháng gần đây, trong số đó có nhiều trường hợp là trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine.
Nhiều phụ huynh thắc mắc, trẻ đã nhiễm COVID-19 rồi, khi đi học còn phải "giữ gìn", thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm?
Trả lời câu hỏi này, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, một người mắc COVID-19 khi test nhanh cho kết quả âm tính có nghĩa là khi đó các dịch tiết đường hầu họng không còn virus. Trường hợp đó không còn là nguồn lây với người xung quanh và cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu mắc COVID-19 đã khỏi bệnh rồi, một số ca bao gồm cả trẻ nhỏ vẫn có khả năng tái nhiễm, các biện pháp dự phòng lây nhiễm vẫn là điều cần thiết.
Bổ sung quan điểm này, TS Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay virus SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng. Một người đã mắc biến chủng này vẫn có nguy cơ nhiễm biến chủng khác với chủng nhiễm lần trước.
Do đó, theo hai vị chuyên gia, trẻ đã mắc COVID-19 khi đi hoc vẫn phải đảm bảo các biện pháp dự phòng, đặc biệt là khẩu trang và khử khuẩn.
Theo TS Phúc việc phòng lây nhiễm tùy theo từng lứa tuổi. Với trẻ lớn từ 12 tuổi trở lên, ý thức về dự phòng chắc chắn tốt hơn trẻ nhỏ, đây cũng là nhóm hầu hết đã tiêm vaccine. Vì thế, đầu tiên, các trường học phải có sẵn các dung dịch hay xà phòng rửa tay, bố trí nơi rửa tay nơi thuận lợi cho trẻ. Khi được gặp nhau ở trường sau thời gian dài học trực tuyến, trẻ rất khó để không tụ tập vui chơi, do đó, cần khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhất có thể.
Cha mẹ cũng có thể chuẩn bị sẵn trong cặp sách hoặc balo các dung dịch rửa tay, xịt khuẩn để trẻ chủ động.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi mắc COVID-19 khỏi bệnh ít nhất 3 tháng nên tiêm vaccine COVID-19; với trẻ trên 12 tuổi khoảng thời gian này là 3-6 tháng.
Trong gia đình có con trẻ mắc COVID-19, việc khử khuẩn đồ đạc rất quan trọng. Theo TS Phúc, một trong những đường lây truyền chính của SARS-CoV-2 là qua giọt bắn, virus phát tán lên bề mặt đồ đạc, dụng cụ… và có thể tồn tại vài ngày. Nghĩa là cả khi test nhanh đã âm tính trở lại, trên các bề mặt đồ đạc trong nhà vẫn còn có thể chứa virus.
Do đó gia đình có F0 sau khi khỏi bệnh vẫn nên khử khuẩn đồ đạc, dụng cụ, các bề mặt đặc biệt nơi tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế… Điều cơ bản là gia đình cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để xem xét việc đeo găng tay hay khẩu trang trong lúc vệ sinh khử khuẩn, cách pha, nồng độ… Khi vệ sinh nhà cửa cần đảm bảo thoáng gió, tránh chất diệt khuẩn vào đồ ăn uống đặc biệt khi nhà có trẻ em...
Theo suckhoedoisong.vn
Link nguồn: https://suckhoedoisong.vn//tre-di-hoc-khi-da-mac-covid-19-roi-co-can-giu-cac-bien-phap-phong-lay-nhiem-169220407122248901.htm