Bệnh viện Bạch Mai từng trở thành một trong những ổ dịch nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm trong cán bộ y tế và lây lan ra cộng đồng từ Bệnh viện Bạch Mai khiến cho dư luận không khỏi lo lắng. Là điểm “nóng” dịch bệnh Covid – 19, toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện đã phải trải qua những ngày vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Cuối cùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đã chiến thắng.
PhapluatNet có cuộc trao đổi với vị lãnh đạo chèo lái con thuyền Bạch Mai – GS. Nguyễn Quang Tuấn.
Về nhận vị trí Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đúng thời điểm tình hình dịch bệnh căng thẳng, lại là môi trường công tác mới, vậy thuận lợi nào giúp Giáo sư vững tay chèo lái con thuyền Bạch Mai qua thời điểm có thể gọi là khó khăn nhất của viện từ trước đến nay như vậy?
Tôi nhận quyết định làm Giám đốc Bạch Mai lúc 10h sáng 18/3 thì đến chiều cùng ngày phát hiện ca dương tính Covid – 19 đầu tiên. Từ Viện Tim với quy mô nhỏ sang một viện tuyến cuối với quy mô lớn cũng có khá nhiều khó khăn bước đầu cho tôi. Nhưng với kinh nghiệm được trau dồi từ viện Tim cộng với Ban giám đốc và cả bệnh viện đều nỗ lực hết sức, đồng tâm dập dịch, đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi chiến thắng.
Chúng tôi được biết có nhiều người rất quý mến các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trân trọng bác sĩ Bạch Mai nhưng trong thời gian vừa qua có nhiều người “kỳ thị” đội ngũ y bác sỹ viện vì cho rằng Bạch Mai là ổ dịch. Giáo sư và các đồng nghiệp có bị ảnh hưởng tâm lý không?
Vừa qua, nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid đến, vì thế họ né tránh. Thậm chí, có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điểu chúng tôi rất buồn.
Đáng buồn hơn nữa, chúng tôi cần các bác sĩ đang ở nhà vào bệnh viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ. Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu. Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn.
Tuy nhiên, thời điểm đó và đến giờ chúng tôi vẫn sẵn sàng, minh mẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày càng tốt hơn nữa.
Thưa Giáo sư, chúng tôi được biết, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam sắp bắt đầu hoạt động và tiếp đón bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Trong hoàn cảnh dồn nhân lực chống dịch, liệu bệnh viện có đảm bảo nguồn nhân lực cho cơ sở 2 khi bàn giao đi vào hoạt động không?
Mặc dù thời gian vừa qua toàn viện đang trong cuộc “chống dịch như chống giặc”, và dồn tâm sức cùng anh em ngành y vượt qua khó khăn đại dịch, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị nguồn nhân lực cho cơ sở 2 đi vào hoạt động đúng kế hoạch đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng.
Ở cương vị lãnh đạo mới, Giáo sư có những quyết sách gì trong thời gian tới để xây dựng và đưa Bệnh viện Bạch Mai trở thành một đơn vị có vị thế trong khu vực và trên thế giới?
Trước mắt, chúng tôi tập trung đẩy mạnh cải thiện, phát triển chất lượng khám chữa bệnh. Sau kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chúng tôi vẫn thắt chặt các hoạt động phòng chống dịch như yêu cầu người bệnh đeo khẩu trang, người dân vào bệnh viện được tầm soát nhiệt độ, sát trùng tay... Đặc biệt là chúng tôi bắt đầu tiến hành các bước, các quy định của Chính phủ về việc đưa bệnh viện sang một trang mới về công tác hoạt động tự chủ của mình.
Song song với đó, chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Phấn đấu đến cuối năm 2020 đưa Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ Bộ Y tế và Chính phủ giao cho.
Với quyết sách chuyển đổi mô hình phương thức quản trị cũ sang mô hình mới đó là tự chủ hoàn toàn, hiện tại Ban Giám đốc bệnh viện đã có những thay đổi gì trước mắt?
Trước tiên Ban Giám đốc đã quyết định giải thể nhiều đơn vị dịch vụ như bán báo, tang lễ và một số dịch vụ khác. Việc giải thể các đơn vị dịch vụ trong viện đã tồn tại lâu năm đó là một quyết định rất khó khăn, có những nhân viên đã gắn bó với bệnh viện hàng chục năm, khó có thể giải thể trong “một sớm, một chiều”, nhưng Ban Giám đốc bệnh viện sẽ cố gắng giải thể các đơn vị dịch vụ này sớm nhất.
Trong giai đoạn tự chủ mới, bệnh viện sẽ xây dựng tiêu chuẩn tiến tới không còn khái niệm "giường bệnh theo yêu cầu", dần dần sẽ xóa bỏ giường dịch vụ, nhằm hướng tới tất cả bệnh nhân đều được phục vụ tốt nhất có thể.
Xin trân thành cảm ơn Giáo sư!
GS. TS Nguyễn Quang Tuấn (SN: 1967) – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (trực thuộc Sở Y tế Hà Nội).
GS. Nguyễn Quang Tuấn là một chuyên gia tim mạch nổi tiếng, từng nhiều năm phụ trách Phòng C4 – Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai (giai đoạn 2004 - 2012), trước khi chuyển qua làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Sáng 18/3/2020, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm quyền Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho GS. Nguyễn Quang Tuấn.