Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm nay 11/1 xác nhận trong số 41 trường hợp dương tính với virus viêm phổi lạ, 1 người đã chết, 7 người trong tình trạng nguy kịch, còn 2 người khác đã được xuất viện.
Bệnh nhân 61 tuổi đã không qua khỏi vào đêm 10/1 khi diễn biến bệnh tình nặng lên. Ông là khách hàng thường xuyên đi đến khu vực có dịch. Đáng nói, theo Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, người đàn ông này đang mắc khối u bụng bụng và bệnh gan mãn tính.
Các trường hợp bị bệnh được xác định nhiễm chủng virus corona được phát hiện tại thành phố Vũ Hán hồi tháng trước. Đa số các ca nhiễm virus đã thường xuyên qua lại một chợ bày bán các động vật hoang dã như chim trĩ, rắn, nội tạng thỏ. Hiện khu chợ này đã bị đóng cửa.
Theo Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, không có thêm ca bệnh mới nào nhiễm virus corona được phát hiện kể từ ngày 3/1 và không có nhân viên y tế nào bị nhiễm virus. Ủy ban này cho biết: “Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh chủng virus trên lây truyền từ người sang người. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, kể cả nhân viên y tế đã không bị nhiễm bệnh”.
Trước đó đội ngũ chuyên gia y tế Trung Quốc xác định nguyên nhân của đợt viêm phổi lạ là một chủng vi rút mới cùng họ với vi rút hội chứng hô hấp cấp (SARS). Hầu hết bệnh nhân đều làm việc ở một khu chợ bán hải sản cùng nhiều loại động vật khác nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nhiều khả năng bệnh lây từ động vật sang người.
Hiện chưa thể biết viêm phổi có lây từ người sang người hay không, Ủy ban Y tế Vũ Hán từ ngày 3/1 đến nay không ghi nhận ca bệnh mới nào.
Bệnh viêm phổi bí ẩn bùng phát ở Vũ Hán từ tháng 12 khiến nhiều quốc gia châu Á ngay lập tức siết chặt công tác kiểm tra tình trạng sức khỏe hành khách nhập cảnh. Họ lo ngại đại dịch SARS hoặc cúm gia cầm quay trở lại.
Cách đề phòng dịch bệnh
Ngay từ khi nhận được thông tin về việc xảy ra các trường hợp viêm phối cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống nhằm ngăn ngừa bệnh dịch xâm nhập vào nước ta.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp viêm phổi lạ từ khu vực đang có dịch vào nước ta. Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để cập nhật thông tin và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai: Mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh nơi đông người, che miệng khi ho, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng cơ thể;
Người dân khi có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; Không nên có thái độ nước đến chân mới nhảy, bệnh xảy ra rồi mới lo chữa…
Các cơ sở y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam.