Trường quốc tế Gateway- nơi học sinh tử vong bị bỏ quên trên xe có tên đầy đủ là trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway. Hệ thống trường Gateway có các cơ sở: Gateway Cầu Giấy, và Gateway Hải Phòngvà một cơ sở khác đang được xây dựng tại Hà Nội.
Trường Gateway Hà Nội, nơi vừa xảy ra sự việc học sinh lớp 1 tử vong bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường, có địa chỉ tại phố Khúc Thừa Dụ phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nộighi biển tên khá to ngoài cổng trường hoàn toàn bằng tiếng Anh là: Gateway International school.
Vì gắn “mác” quốc tế nên học phí của trường này được thông báo trên wesite lên tới hơn một trăm triệu đồng/ năm. Chưa kể, các khoản tiền ăn, các loại hình chi phí khác.
Gateway Hà Nội được thành lập năm 2015 qua sự hợp tác quốc tế giữa trường mầm non quốc tế Sakura Montessori và tổ chức giáo dục Gateway Education. Ngôi trường được xây dựng trên mặt bằng 8.000 mét vuông, tổng diện tích 15.000 mét vuông với trang thiết bị hiện đại. Trường quản lý học sinh, nhân viên ra vào bằng thẻ từ.
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như vậy, tên trường như vậy nhiều phụ huynh sẽ lầm tưởng đây là ngôi trường quốc tế xịn. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau sự việc học sinh trường này bị bỏ quên trên xe đưa đón tử vong, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy khẳng định, trên địa bàn không có trường quốc tế nào, chỉ có một số trường có yếu tố nước ngoài. “Tên trường quốc tế Gateway nhưng trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nào cả. Có thể do trường quảng cáo lên để thu hút học sinh”, ông Ngọc Anh nói.
Trường quốc tế tự phong lỗi do quản lý
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết, tên trường Gateway international school có thể là do trường này tự đặt ra. Muốn biết trường có được cấp phép hoạt động đúng như vậy hay không thì kiểm tra giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu đơn vị nào cấp phép để hoạt động dưới mác “quốc tế” cũng sai.
Theo ông Vũ, theo nguyên tắc những trường có yếu tố đầu tư nước ngoài phải đặt tên tiếng Việt. Tên tiếng Anh nếu có cũng chỉ được mở ngoặc để bên cạnh thôi. Ví dụ, ở quận Tây Hồ có một số trường ban đầu xin cấp phép cũng để tên tiếng Anh nhưng đơn vị đề nghị chỉ được đứng tên tiếng Việt như: Ánh Dương, Khởi Nguyên…
Ông Vũ cũng cho rằng, hiện nay một số trường có xu hướng lấy tên nước ngoài để thu hút phụ huynh. Họ đánh vào tâm lý sính ngoại và đẻ ra nhiều chương trình gắn nhãn công dân toàn cầu… “Nếu không đúng bản chất là trường quốc tế mà dán nhãn quốc tế thì cái sai đó thuộc về các cấp quản lý”, ông Vũ nói.
Ông thông tin, trên địa bàn có một số trường quốc tế đang hoạt động. Những trường này được Bộ GD&ĐT cấp phép, quản lý và hoạt động theo Nghị định 86. Những trường quốc tế thực sự phải dạy học theo chương trình quốc tế, 100% vốn đầu tư nước ngoài và nhiều quy định, tiêu chuẩn về giáo viên, ngôn ngữ…
Một trưởng Phòng GD&ĐT tại Hà Nội cũng cho rằng, các trường có yếu tố nước ngoài nhưng thực ra chương trình dạy học vẫn theo chương trình của Bộ GD&ĐT , giáo viên Việt Nam. Một trường có yếu tố nước ngoài cũng chỉ là loại hình giáo dục ngoài công lập nhưng cứ gọi tên quốc tế để “loè” phụ huynh. Theo trưởng phòng này, đặt tên như vậy là “chiêu’ để hút học sinh.
Theo Tiền Phong