Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định rất nhiều chế tài đối với người sử dụng lao động không đúng luật.
Theo nghị định trên, trường hợp chậm trả lương cho người lao động sẽ có mức phạt phụ thuộc vào số lao động bị vi phạm.
Mức phạt tương ứng như sau: Từ 5-10 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 đến 10 người lao động; từ 10-20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 đến 50 người lao động; từ 20-30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 đến 100 người lao động; từ 30-40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 đến 200 người lao động; từ 40-50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, người sử dụng lao động buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Mức phạt này áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt được nhân đôi. Như vậy, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cũng có nội dung nổi bật nữa là người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định có thể bị phạt lên đến 75 triệu đồng.