Báo Tin Tức đưa tin, ngày 19/10, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch đối với các lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.
Báo cáo của các địa phương cho biết, tính đến ngày 31/8/2021, 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19, trong đó có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 có em. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước và nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng. Hà Nội có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình.
Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp.
Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả. Hoạt của các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng lớn. Một số cơ sở giáo dục tổ chức dạy trực tuyến nhưng nguồn thu từ học phí không đủ trang trải chi phí; nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học phải đóng cửa hoặc giải thể…
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể.
Rà soát, đánh giá kỹ thực trạng , khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.
Trước đó, theo báo Công an Nhân dân, ngày 13/10, chia sẻ xung quanh các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo rà soát của bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Với tinh thần đến trường là phải an toàn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, đảm bảo tất cả học sinh đến trường học đều có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe. Ngoài an toàn về sức khỏe, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện, đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.
* Đúng vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Singapore bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên 12 - 18 tuổi. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin cho thanh thiếu niên trước khi hoàn thành việc tiêm chủng cho người lớn.
Theo thông tin trên trang web của Chính phủ Singapore, người dưới 18 tuổi cần có sự đồng ý của cha mẹ/người giám hộ để đặt lịch hẹn tiêm vắc xin. Khi đi tiêm phải mang theo giấy tờ chứng minh có sự đồng ý để xác minh.
* Campuchia tiêm vắc xin cho thanh thiếu niên 12 - 17 tuổi từ ngày 1/8, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk. Campuchia thậm chí đã đi xa hơn khi bắt đầu tiêm cho trẻ 6 - 12 tuổi từ ngày 17/9 bằng vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Với trẻ trên 12 tuổi và người lớn, Campuchia dùng vắc xin Sinovac, Sinopharm (cũng do Trung Quốc sản xuất) và vắc xin AstraZeneca (Anh).
* Thái Lan bắt đầu tiêm cho người trên 12 tuổi vào ngày 4/10, bắt đầu từ 29 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm thủ đô Bangkok. Khoảng 88% học sinh từ 12 - 18 tuổi ở Bangkok đã đăng ký tiêm chủng. Trên toàn quốc, có 3,6 triệu trong số 5 triệu học sinh đủ điều kiện đã đăng ký tiêm. Theo Hãng tin Reuters, Thái Lan sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho học sinh.