Trong ngày 31/5 tại vùng trồng vải ở huyện Lục Ngạn, người dân trồng vải ở các xã đã bắt đầu thu hoạch vải chín sớm giống u hồng, u trứng. Hiện tại chưa có vải thiều, khoảng 2 - 3 tuần nữa vải thiều mới vào vụ thu hoạch.
Từ sáng sớm, các xe máy chất đầy vải từ các xã nườm nượm đổ về phố Kim (quốc lộ 31, xã Phượng Sơn) để bán cho các thương lái, tiểu thương.
Theo ghi nhận, giá vải phổ biến trong ngày hôm nay trung bình từ 6.000 - 8.000 đồng/kg tùy từng loại.
Một số người dân có vải loại đẹp vẫn kiên quyết giữ giá 10.000 đồng/kg, một số ít vải mẫu mã xấu thì các thương lái, tiểu thương cũng chỉ trả được khoảng 4.000 đồng/kg.
Theo nhiều người dân trồng vải tại Lục Ngạn, giá vải đầu mùa so với năm ngoái nay chỉ bằng 1/3, 1/4.
"Năm nay thì 6.000 - 8.000 đồng/kg, cứ đà này năm nay chúng tôi không đủ tiền phân bón, chăm sóc. Nếu độ nửa tháng nữa, khi vải bước vào thu chính vụ mà sức mua chậm, số lượng xuất khẩu mà ít... thì giá có lẽ còn rẻ nữa, có khi xuống tới mức 2.000 - 4.000 đồng/kg, như vài năm về trước giá vải rớt xuống ‘đáy’, thì người nông dân không chỉ buồn mà còn... khóc vì thua lỗ!" – bà Hồ Thị Thanh (thôn An Phú, xã Mỹ An) chia sẻ.
Theo nhiều người dân, giá vải đầu mùa giảm mạnh do vải được mùa dẫn đến số lượng vải lớn. Hơn nữa, đến thời điểm này vẫn chưa thấy các thương lái Trung Quốc tới mua, trong khi thị trường tiêu thụ vải ở trong nước có hạn.
Theo thông tin từ huyện Lục Ngạn thì năm nay có khoảng 1.850 ha vải chín sớm gồm các giống: Bình Khê, u trứng, u thâm, u hồng, lai Thanh Hà… Sản lượng năm nay ước đạt từ 13-15 nghìn tấn quả tươi, tăng 1.000 tấn so với vụ trước.
Tại các chợ trong địa bàn thành phố Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam, chợ Hôm, chợ Mơ,... giá vải đầu mùa dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với mức giá 50.000 – 70.000 đồng/kg của năm ngoái.
Theo chị Thêu, chủ một sạp bán hoa quả tại chợ Long Biên, vải đầu mùa chủ yếu là vải chua, vải to, hột to và không ngọt như vải thiều chính vụ.
“Tuy nhiên, tại siêu thị và các cửa hàng hoa quả sạch, vải chín sớm vẫn có giá cao hơn ở chợ có lẽ vì được tuyển chọn hàng loại 1, chín đều và ngọt hơn hàng loại 2, loại 3 ở chợ”, chị Thêu nói.
Đại diện tỉnh Hải Dương và Bắc Giang dự kiến, sản lượng vải năm nay đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khoảng 55.000 - 60.000 tấn (gấp đôi so với năm 2017). Trong đó, vải chín sớm vào khoảng 15.000 – 18.000 tấn.
Riêng tại Bắc Giang, dự kiến sản lượng vải tại địa phương sẽ đạt 150.000 – 180.000 tấn, gấp gần 2 lần so với năm ngoái. Trong đó có 20% là vải thiều chín sớm.
Theo đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ kết nối cung, cầu tiêu thụ để giúp người dân tiêu thụ vải thiều.
Văn Vũ (TH)