Cơ quan điều tra Bộ Công an ngày 8/12 bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Tài để điều tra sai phạm trong việc giao 5.000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) không qua đấu thầu, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, khi Thanh tra Chính phủ kết luận Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài (thời điểm 2011) chịu trách nhiệm trực tiếp về sai phạm này, ông Tài nhìn nhận: "Tôi có phần nóng vội, muốn đẩy nhanh tiến độ, chủ quan, chỉ nghĩ về chiều hướng thuận, chưa lượng ước hết những khả năng xấu có thể xảy ra...".
Không đấu thầu vì tính phần góp vốn của Bộ Công thương
Ở nhiệm kỳ 2004-2009, kéo dài đến cuối năm 2010, ông Tài được phân công làm Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM. Đến cuối năm 2008, Phó chủ tịch phụ trách đô thị Nguyễn Hữu Tín (đang bị tạm giam ở vụ án khác) đi học ở nước ngoài, nên ông Tài được phân công mảng này.
Dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, kết hợp trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã có chủ trương từ năm 2007 nhưng không triển khai được do gặp nhiều khó khăn, không thể đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực.
Tại địa chỉ này đang có 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương sử dụng từ năm 1975 cho đến năm 2008, và đang có tranh kiện với Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố về việc không thanh toán tiền thuê nhà. Sau khi toà tuyên buộc phải thực hiện nghĩa vụ, các đơn vị của Bộ Công thương vẫn không thi hành.
Tranh chấp kéo dài, thành phố không có điều kiện thu hồi mặt bằng và quản lý mặt bằng trống trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, nên không đủ điều kiện đấu thầu chọn nhà đầu tư như quy định.
Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã xin ý kiến Chủ tịch UBND thành phố (ông Lê Hoàng Quân) cho chuyển qua hình thức chọn chủ đầu tư dự án theo phương thức huy động vốn. Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố (đơn vị thay mặt chủ sở hữu tài sản và quản lý tài sản) được chọn làm chủ đầu tư để liên kết, hợp vốn với các đơn vị khác. Do không có chủ trương chuyển nhượng bán tài sản Nhà nước và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nên không tổ chức bán đấu giá. Đề xuất này đã được Chủ tịch UBND thành phố chấp thuận.
"Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hình thức đầu tư mới, một lần nữa không thành, do các đơn vị đang thuê sử dụng toà nhà khiếu nại không được tham gia trong liên doanh đầu tư, và mọi việc đã dừng lại ở đây cho đến khi Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách đô thị đi học", ông Tài cho biết.
Đến năm 2009, để tiếp tục phần việc dở dang, thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt của Thường trực Uỷ ban theo phương thức đã được thống nhất và để tránh những vướng mắc, khiếu kiện, thành phố đã chấp thuận để các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tham góp 50% vốn.
"Lúc đó tôi nghĩ, một khi dự án được khởi động lại và đẩy nhanh tiến độ sẽ góp phần tích cực thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ thành phố đã đề ra là chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ thương mại – công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao", ông Tài lý giải.
Theo ông Tài, việc đẩy nhanh tiến độ dự án cũng làm tăng phòng ốc cao cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài đến 2012; bất động sản đóng băng; cũng như tạo nguồn thu đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách thành phố.
Nhưng khi có chủ trương, Công ty quản lý kinh doanh nhà cho biết thiếu vốn do phân bổ vào nhiều dự án khác, không lường trước mức khái toán tổng vốn đầu tư quá lớn, nên khó đủ sức đáp ứng dự án này. Công ty này đề xuất cho Công ty THHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư 30% (trong tỷ lệ 50% góp vốn dự án) để triển khai nhanh.
Theo ông Tài, trước yêu cầu mới phát sinh, ông tính toán và lựa chọn: với 50% vốn tham gia của 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương và 20% vốn góp của Công ty quản lý kinh doanh nhà, thì phần vốn góp của khu vực Nhà nước là 70%.
"Hơn nữa, đối với lĩnh vực du lịch, Nhà nước không chủ trương đơn vị nhà nước phải chiếm cổ phần chi phối. Vì vậy, tôi đã chấp thuận theo đề xuất của Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố", ông Tài cho hay.
Cho thuê khu đất theo đề xuất của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường
Về giá giao đất và cho thuê đất dự án 8-12 Lê Duẩn, ông Tài khẳng định dựa trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm đó, thực hiện theo quy trình và phương pháp thẩm định của Bộ Tài chính; được các cơ quan tư vấn độc lập trình và Hội đồng tư vấn giá của thành phố thẩm định đề xuất.
Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, khủng hoảng, bất động sản đóng băng và dựa trên đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường (ông Đào Anh Kiệt làm giám đốc), UBND TP đã đồng ý cho đóng tiền sử dụng đất theo phương thức: giao đất thu tiền một lần đối với mảnh đất số 8 Lê Duẩn và cho thuê đất thu tiền sử dụng đất hàng năm đối với phần đất 12 Lê Duẩn. Theo đó, Công ty Lavenue (thuộc Bộ Công thương) đã nộp tiền sử dụng và thuê đất hơn 700 tỷ đồng từ nhiều năm qua.
Theo ông Tài, việc giao và cho thuê khu đất trên được thực hiện ngày 18/2/2011, theo đề nghị của Sở Tài nguyên Môi trường. Tại thời điểm này, Thông tư số 39 ngày 22/3/2011 của Bộ Tài chính và Nghị định số 121/2010 ngày 30/12/2010 của Chính phủ chưa có hiệu lực thi hành. Do đó, việc giao đất và cho thuê đất trên là không trái quy định.
Mặt khác, thành phố cũng chú ý tới quyền chủ động xử lý của cơ quan quản lý, tại Điều 4 khoản 4 hợp đồng thuê đất ghi rõ: "Trường hợp UBND TP HCM yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Lavenue chuyển hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì công ty phải chấp hành không điều kiện".
Sai sót vì chủ quan
"Bản thân tôi không lường hết được khả năng phức tạp xảy ra. Đó là các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương luôn khiếu nại và đòi cho bằng được quyền tham gia hợp vốn đầu tư dự án. Nhưng khi chính thức được trao cho quyền ấy thì lại đem bán phần vốn góp của mình cho đơn vị khác (Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô), gây bao nhiêu hệ luỵ cho đơn vị quản lý", ông Tài cho biết.
Nguyên Phó chủ tịch thường trực cũng nhìn nhận, vì chủ quan tin vào năng lực tài chính cũng như sự ham muốn tham gia đầu tư dự án của các đơn vị này mà ông đã sai sót, bỏ qua phần báo cáo thẩm định về năng lực tài chính của các đơn vị.
Mặt khác, ông cũng thiếu kiểm tra, không phát hiện kịp thời những sai phạm của cấp dưới. Từ đó dẫn đến hệ luỵ là không báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch cũng như Thường trực UBND thành phố về những vấn đề đã nảy sinh.
"Dù bản thân luôn cố gắng để góp phần cùng tập thể mang lại kết quả cao nhất, có động cơ hết sức tích cực, nhưng thực tế tôi đã có những khuyết điểm, sai phạm trong vai trò chỉ đạo nhiệm vụ được giao. Tôi xin nhận trách nhiệm của mình", ông Tài thẳng thắn.
Ông cũng khẳng định không có ý biện minh về sai sót của mình, nhưng cũng muốn được xem xét, đánh giá khách quan với cách tiếp cận vấn đề có tính lịch sử cụ thể. Không thể đem so sánh một sự việc tại hai thời điểm khác nhau, với khoảng cách gần 10 năm và bối cảnh cũng có nhiều khác biệt, để đánh giá mức độ hậu quả gây ra.
Cụ thể, giá đất ở thời điểm năm 2009-2011, với tình hình kinh tế gặp khủng hoảng, bất động sản đóng băng, mặt bằng tại khu vực số 8-12 Lê Duẩn không phải trống như hiện nay, với bối cảnh kinh tế - xã hội thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Thành Tài bị bắt về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS năm 2015, khung hình phạt cao nhất 20 năm tù.
Bị cáo buộc cùng tội danh, ông Nguyễn Hoài Nam (Bí thư quận 2) được tại ngoại. Còn ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM); Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) đã bị tạm giam trong vụ án liên quan sai phạm của cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín.
Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ toàn bộ sai phạm của cá nhân liên quan tại các sở ngành của TP HCM, Bộ Công Thương.
Thiên Ngôn