Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ do ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - bộ Công an) “bảo kê”, đại diện VKS đề nghị áp dụng điều luật trên nhưng Tòa đã không chấp nhận khiến nhiều bị cáo không được xử dưới khung, không được hưởng án treo.
Trong đó có trường hợp của hai ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) bị tuyên án cao hơn mức án đề nghị của VKS.
Liên quan đến việc VKS kháng nghị bản án của TAND tỉnh Phú Thọ, TS. Luật sư Hoàng Tám Phi – Công ty luật TNHH Tâm Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ, ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa có rất nhiều các tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là ông Nguyễn Thanh Hóa.
Cụ thể, khi còn công tác, ông Nguyễn Thanh Hóa đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ An ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen; ông Hóa là con, cháu của liệt sỹ và đã có ý thức tự nguyện nộp số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Do vậy, tòa cấp sơ thẩm ghi nhận cho ông Hóa được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Ông Hóa bị nhận định là thiếu thành khẩn, đổ lỗi cho người khác nên HĐXX không cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Phi thì: “Pháp luật quy định, khi lượng hình, HĐXX phải cân nhắc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định trong BLHS. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hóa, khi so sánh thì ông Hóa vẫn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn tình tiết tăng nặng nhưng vẫn bị tuyên mức án kịch khung là 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (khoản 2 Điều 356, BLHS). Như vậy là tòa sơ thẩm đã không ghi nhận cho ông Hóa bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào khi lượng hình, như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, việc VKS kháng nghị bản án của TAND tỉnh Phú Thọ là có cơ sở”, luật sư Phi nói.
Luật sư Phi cũng đồng tình với việc kháng nghị của VKS khi cho rằng cần phải xem việc các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ nộp lại số tiền do phạm tội mà có là tiền khắc phục hậu quả và coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
“Tiếp nữa, các bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc tức là phải có từ hai người trở lên. Khi đã quy định tình tiết phạm tội có tổ chức đã là tình tiết định khung thì không được xem là tình tiết tăng nặng nữa”, luật sư Phi nói.
Do vậy, trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, luật sư Phi hy vọng, tòa cấp phúc thẩm sẽ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước những nội dung kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS để ra một bản án công tâm, khách quan nhưng vẫn thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật với những con người lầm lỡ, biết ăn năn hối cải.
Tư Viễn