Theo tin từ TTXVN vừa qua, sự việc hai cháu nhỏ trong cùng một gia đình ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tử vong cách nhau nửa tháng do bệnh Whitmore (một cháu tử vong ngày 30/10 và một cháu tử vong ngày 16/11) khiến người dân lo lắng căn bệnh nguy hiểm này lây lan.
Cụ thể, một cặp vợ chồng ở Đô Lương, Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội mất đi 3 đứa con trong vòng 7 tháng (từ tháng 4/2019 đến nay), trong đó 2 bé tử vong do vi khuẩn Whitmore. Theo đó, hai bé tử vong là bé T.C.V. (SN 20/10/2014) và em trai bé là T.Q.H. (SN 30/4/2018).
Theo người nhà anh T.V.C (bố của các bé), sau khi bé H. qua đời tại bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình đã đưa về nhà và lo hậu sự ngay trong ngày 16/11. Sự ra đi của bé mới được 18 tháng tuổi, mập mạp, bụ bẫm, còn chưa cai sữa mẹ là nỗi đau đớn tột cùng của gia đình cặp vợ chồng này, khi trước đó, bé đầu tiên đã mất trong tháng 4, bé thứ hai mất tháng 10 vừa qua.
Theo báo cáo ngày 12/11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), bé gái đầu tiên là T.Q.T (sinh năm 2012, học sinh lớp 1) đã tử vong tại bệnh viện Xanh Pôn nhưng không liên quan đến vi khuẩn Whitmore.
Bé trai thứ hai là T.C.V (sinh năm 2014) xuất hiện sốt 38,5oC, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10/2019, và không điều trị gì. Đến 5h sáng ngày 28/10/2019, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31/10/2019, bé T.C.V tử vong tại bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2019 cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitmore).
Bé trai thứ ba kể trên có biểu hiện sốt 38,5oC trong ngày 10/11, đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa bé đến trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác cháu bé, đến ngày thứ tư, bé T.Q.H. có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao, nhưng sau đó thông báo là thuốc không đáp ứng để diệt vi khuẩn và chỉ định lọc máu.
Cũng theo báo cáo của trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Gia đình có bảy người, ngoài ba bé còn có ông bà nội và bố mẹ bệnh nhi. Nhưng hiện nay, qua điều tra gia đình và các hộ xung quanh không phát hiện thêm trường hợp có biểu hiện tương tự.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội cho hay, hai trường hợp cháu nhỏ trong cùng một gia đình tử vong do bệnh Whitmore cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm, đang được tiếp tục điều tra, theo dõi. Tuy nhiên chưa có bằng chứng về việc bệnh lây lan bệnh.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, qua điều tra dịch tễ cho thấy chưa có gì đặc biệt. Những người trong gia đình các cháu này đều khỏe mạnh, cả ba cháu bé tử vong đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật.
Thông tin trên VOV, ông Cảm cho biết, Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng "nguồn" bị ô nhiễm.
Biện pháp cơ bản để tránh Whitmore là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, người dân không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít.
"Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự. Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, rất ít nguy cơ có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao", ông Cảm nhấn mạnh.