Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018: Nhìn đúng bản chất thì đây là vụ... 'tham nhũng điểm'

Vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018: Nhìn đúng bản chất thì đây là vụ... 'tham nhũng điểm'
Gần 1 năm qua sau khi vụ gian lận rúng động lịch sử được phơi bày, diễn biến phúc tạp, đến nay, danh sách 44 thí sinh được nâng điểm khống tại Sơn La đã được “lộ diện”.

Tuy nhiên điều này đã gây tranh cãi không ít đối với dư luận, khi mà bộ GD&ĐT không muốn công khai danh sách thí sinh và phụ huynh trong đường dây gian lận này. 

Để làm rõ hơn và có góc nhìn đa chiều về vấn đề, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Trần Trung Hiếu – giáo viên dạy Sử của trường Chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh – Nghệ An). Thầy Hiếu đã có 25 năm trong sự nghiệp trồng người.

Thưa thầy, dư luận đang "nóng" với danh sách các thí sinh sai phạm trong vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT 2018, quan điểm của thầy về việc này ra sao?

Theo tôi, bây giờ là thời điểm thích hợp và phù hợp nhất để các cơ quan chức năng và báo chí, mạng vào cuộc khai thác điểm nóng nhất về gian lận thi cử 2018. Thông qua những thông tin từ những đồng nghiệp của tôi trên khắp toàn quốc, tôi cho rằng chuyện xảy ra gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 không phải là lần đầu tiên. Mà thậm chí diễn ra trong những năm gần đây nhưng chưa bị phát hiện.

Năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia xảy ra hiện tượng “mưa điểm 10” nên có thể những thí sinh được nâng điểm không nổi bật lên, nhưng đến năm 2018 khi đề thi được điều chỉnh khó hơn, lúc này mới lòi ra những thí sinh dính tiêu cực, bởi đề khó ít người được điểm cao.

Xin tự nhận là 1 giáo viên có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy môn Sử lâu năm, tôi khẳng định không thể làm được 10 điểm trong thời gian 50 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm trong Đề thi trắc nghiệm năm 2018, đặc biệt là môn Sử. Vậy mà, ở Sơn La, một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn đã có 3 thí sinh đạt điểm 10 môn Sử. Dù sự việc đã được "lau sạch sẽ" sau Hà Giang, nhưng không có nghĩa là "tuyệt đối sạch sẽ". Chỉ cần vài thông tin rò rỉ trên là có thể lần ra manh mối. Tôi nghĩ cần làm chặt chẽ và nghiêm khắc không thể để chừa một trường hợp nào lại được, như vậy không công bằng.

Tôi cũng mong muốn các phóng viên báo chí hãy vào cuộc rà soát lại danh sách các Thủ khoa, Á khoa của tất cả các trường đại học sau Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có thể sẽ phân loại được đâu là giả, đâu là thật.

Tôi mong cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra có hay không tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ. Cần điều tra một cách khách quan độc lập và không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Liệu có nên đặt câu chuyện nhân văn trong việc công bố danh sách các thí sinh gian lận điểm vào lúc này, thưa thầy?

Đối tượng “được nâng” chủ yếu là thí sinh tự do (tức thi trượt năm 2017, đến 2018 thi lại), đặc biệt chủ yếu là những thí sinh thi vào các trường học viện Cảnh sát, học viện An ninh, Phòng cháy chữa cháy.. Như vậy càng phải xử lý nghiêm.

Hơn hết, đã có ý đồ xấu và hành vi gian lận thì đều vi phạm quy chế thi như nhau chứ không phân biệt. Liên quan đến xử lý pháp luật không được đan xen yếu tố cảm tính.

Vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018: Nhìn đúng bản chất thì đây là vụ... 'tham nhũng điểm'
Thầy Trần Trung Hiếu.

Thầy có ý kiến gì khi biết hầu hết danh sách các phụ huynh của những thí sinh gian lận điểm thi đều là công chức nhà nước, có những người đang đương nhiệm những chức vụ quan trọng?

Phụ huynh đã làm "khổ" con bằng cách nhúng tay vào việc mua điểm cho con, khiến dư luận bức xúc, trước hết ảnh hưởng đến con cái họ rất nhiều, thứ hai ảnh hưởng đến nền giáo dục nước nhà, bạn bè quốc tế sẽ nhìn vào và có những cái nhìn tiêu cực. Cha mẹ đã “đè nát” cuộc đời của con để đưa con lên làm “thủ khoa đểu”. “Án tại hồ sơ” thì những phụ huynh kia cũng không thể chối cãi. 

Xét về hình thức thì đây là vụ "gian lận thi cử". Nhưng nhìn đúng cội nguồn, bản chất của vấn đề thì đây là vụ "tham nhũng điểm" và hối lộ, nhận hối lộ. Phụ huynh mà là cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục càng phải xử nghiêm hơn khi nhúng tay vào vụ này.

Cũng như Tiến sỹ Lê Viết Khuyến – Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng Đại học (Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đã từng tuyên bố: "Lâu nay, khi bàn đến việc công khai danh tính thí sinh liên quan đến gian lận, chúng ta vẫn bị luẩn quẩn giữa nhân văn hay không nhân văn. Tôi cho rằng nói nhân văn chỉ là ngụy biện. Ở góc độ luật pháp đã có quy định rõ ràng. Những người vi phạm pháp luật thì cần phải công khai".

Việc này phụ huynh phải là người có trách nhiệm đầu tiên, vì họ đã lấy đi công bằng, niềm tin và cơ hội của nhiều em thí sinh khác. Dấu tên phụ huynh chỉ càng làm cho niềm tin của dân vào chính quyền, vào giáo dục càng thêm tệ hại. Cũng  đừng bao biện cho việc vi phạm pháp luật bằng ra rả nhân văn hay không nhân văn. Theo tôi cần sớm đưa danh sách những phụ huynh liên quan đến vụ gian lận lịch sử này ra ánh sáng.

Xin cảm ơn thầy!

Quy chế thi THPT chưa lường hết các tình huống gian lận thi cử

Theo thầy Trần Trung Hiếu, trong 54 điều của quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp 2018 chỉ duy nhất điều 49 quy định chế tài xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi nhưng lại không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi khâu chấm thi.

Như vậy, Quy chế này khi Bộ biên soạn không hề lường hết các tình huống gian lận thi cử để xảy ra tình trạng "Con bò chui lọt lỗ kim"! Và hệ quả của sự "hớ hênh" này là để cho những thí sinh được nâng điểm nhưng điểm thực vẫn đủ điểm trúng tuyển và vẫn theo học bình thường.

Không biết Quy chế thi THPT quốc gia 2019 của bộ GD&ĐT đã kịp thời "lấp lỗ hổng" này chưa. Nếu 2019 vẫn như năm 2018 thì không ai dám chắc Kỳ thi 2019 đã được khẳng định là an toàn tuyệt đối.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37704 sec| 654.586 kb