Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vụ ông Phan Văn Vĩnh: Điểm mặt tổ chức, cá nhân bị xử lý giai đoạn 2

Vụ ông Phan Văn Vĩnh: Điểm mặt tổ chức, cá nhân bị xử lý giai đoạn 2
Tiếp tay cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu, nhiều nhà mạng, ngân hàng và cả cán bộ trong ngành công an bị đề nghị xử lý theo quy định pháp luật và truy nộp số tiền bất chính.

Cuối tháng 8 vừa qua, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát - bộ Công an) cùng 91 với 6 tội danh trong vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vụ ông Phan Văn Vĩnh: Điểm mặt tổ chức, cá nhân bị xử lý giai đoạn 2
Ông Phan Văn Vĩnh.

Quá trình điều tra vụ án, VKS đã đưa ra quan điểm xử lý đối với hành vi của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án.

Cụ thể, các công ty viễn thông phát hành thẻ cào (nhà mạng) đã được hưởng tổng số tiền là hơn 1.232 tỷ đồng. Trong đó, Viettel hưởng số tiền hơn 913 tỷ đồng; Vinaphone là hơn 147 tỷ đồng và Mobifone là hơn 171 tỷ đồng.

Cơ quan công tố xác định đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1, Điều 10, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Viễn thông. Do vậy, cần áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 41, BLHS năm 1999 để truy nộp Ngân sách Nhà nước.

Tiếp đến, đối với một số cán bộ thuộc bộ Thông tin và Truyền thông có sai phạm cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được làm rõ và xử lý trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án.

Đối với các công ty trung gian thanh toán là công ty Homedrect, công ty VNPT EPAY và công ty Ngân Lượng được hưởng số tiền hàng chục tỷ đồng từ hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc bằng game bài Rikvip/Rikvip.

VKS cho rằng đây là những khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 41, BLHS năm 1999 để truy nộp Ngân sách Nhà nước.

Xác định các công ty trên đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lời bất chính nên được khấu trừ các khoản tiền đã nộp và Ngân sách Nhà nước.

Tương tự, đối với các nhà phát hành thẻ game (công ty VTC online, công ty Gate, công ty VNG, công ty VTC intercom) hưởng lợi từ hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc bằng game bài Rikvip/Rikvip với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.

VKS xét thấy đây là khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 41, BLHS năm 1999 để truy nộp Ngân sách nhà nước.

Liên quan trong vụ án này, 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM được hưởng từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club số tiền gần 1 tỷ đồng; công ty Napas hưởng hơn 1,5 tỷ đồng và ngân hàng Vietcombank hưởng hơn 140 triệu đồng cũng bị đề nghị truy nộp vào Ngân sách Nhà nước do xác định những khoản thu lời trên không có căn cứ pháp lý.

Đối với những tổ chức, cá nhân khác ngoài ngành công an, VKS kết luận, do chưa có điều kiện xác minh, làm rõ trong giai đoạn 1 của vụ án nên cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ tách ra, tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn 2 là phù hợp với quy định của pháp luật.

Cuối cùng, đối với một số cán bộ trong ngành công an có liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50). Cơ quan An ninh điều tra đã điều tra, xác minh và kết luận có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đến mức độ xử lý trách nhiệm nên đề nghị bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của Đảng, của ngành công an là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tư Viễn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.14581 sec| 641.117 kb