Tối ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV) sau khi Ủy ban khẩn cấp WHO nhóm họp lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, theo các Quy định y tế quốc tế (2005).
Cụ thể, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra. Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm 170 người tử vong và trên 7.000 người nhiễm ở 17 quốc gia trên thế giới.
"Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ" - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói tại họp báo.
"Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn" - Tổng giám đốc WHO nói.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.
PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Được biết, theo các quy định của WHO, PHEIC được tuyên bố khi có tình huống "bất thường", "có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh", "đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế" trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.
Việc chỉ định PHEIC sẽ cho phép WHO, kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới hoặc hạn chế thương mại. Lý do vì cắt đứt du lịch và thương mại với một quốc gia đang đối phó với dịch bệnh được cho là không có khả năng ngăn chặn dịch bệnh.
PHEIC lần đầu tiên được ban bố vào tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), sau đó được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phạt dịch virus Zika ở châu Mỹ.
Trước đó, WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.