Thông báo nêu rõ, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, hiệu quả để ứng phó sự cố về môi trường. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý và hình thức văn bản ban hành phải đảm bảo phù hợp, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để làm rõ hơn vấn đề này.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan, ý kiến của các đại biểu dự họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
"Trong đó, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý, nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố và trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc ứng phó, giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường do sự cố chất thải và các sự cố khác gây ra", nội dung thông báo nêu.
Bên cạnh đó, thể hiện rõ quy trình ứng phó sự cố môi trường theo các bước công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, nội dung thông báo, cung cấp, công bố thông tin và truyền thông của các cơ quan trong quá trình ứng phó sự cố môi trường đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, quy định nguyên tắc, trách nhiệm về huy đọng nguồn lực tại chỗ bảo đảm kịp thời, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của các hoạt động ứng phó sự cố môi trường.