Sáng ngày 27/5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam nhận được tin báo xe tải chở lợn của ông Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đậu tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh có dấu hiệu dịch bệnh.
Ngay sau đó, chi cục Chăn nuôi và thú y, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam và huyện Phú Ninh đến kiểm tra. Tài xế Vỹ xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, vận chuyển ra khỏi tỉnh nhưng đã hết giá trị một ngày. Trong giấy này ghi xe chở 150 con lợn và có niêm phong.
Tuy nhiên nhà chức trách ghi nhận trên xe có 34 con lợn sống, 5 con đã chết và có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn Châu Phi; giấy niêm phong trên xe đã bị tháo gỡ.
Ông Vỹ khai báo được thuê chở lợn từ xã Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho một lò mổ ở xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Chiều 26/5, khi đến huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tài xế này gọi điện thoại cho chủ hàng song người này không nghe máy nên tài xế dừng xe, tháo giấy niêm phong để bán lợn.
Sau đó, tài xế chạy vào huyện Phú Ninh dừng lại và tiếp tục bán. "Số lợn bán ở hai điểm này không nhớ bao nhiêu con", ông Vỹ trình bày.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện, lấy ba mẫu lợn chết đi xét nghiệm. Chiều 27/5, kết quả cho thấy số lợn bị dương tính với dịch tả châu Phi nên cơ quan chức năng mang toàn bộ lợn đi tiêu hủy.
Tại Quảng Nam, ngày 14/5 dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên. Sau đó lây lan sang huyện Thăng Bình và thị xã Điện Bàn. Đến nay Quảng Nam đã tiêu hủy gần 200 con lợn bị bệnh.
Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết vừa có kết quả xét nghiệm đàn heo 55 con của một hộ dân ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. Chi cục Thú y tỉnh cùng chính quyền địa phương đã tiêu hủy đàn heo, với tổng trọng lượng hơn 2,3 tấn.
Tỉnh Sóc Trăng đã lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường ra vào tỉnh tại các huyện: Thạnh Trị, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.
Đến nay, dịch tả heo châu phi đã lan ra 7 tỉnh thành miền Tây gồm: Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng với số lượng heo tiêu hủy hơn 110 tấn.
Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài heo, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác.
Đã có trên 36 tỉnh thành xuất hiện dịch với hơn 1,5 triệu con heo bị tiêu hủy.