Liên quan đến những diễn biến xét xử vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, báo Dân Trí đưa tin, chiều 16/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm 5 bị cáo có liên quan.
Trong phiên xử, HĐXX dành thời gian xét hỏi những người làm chứng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ án.
Bà Tống Thị Thu Hương (vợ bị cáo Vũ Trọng Lương) là người làm chứng cuối cùng được HĐXX gọi lên bục khai báo, bản thân không thấy những ai đến nhà để nhờ chồng mình nâng điểm thi.
Ngoài ra, bà Hương khẳng định, không biết chồng mình làm gì tại thời điểm diễn ra kỳ thi nói trên, vì bị cáo chỉ nói là "đi làm việc".
HĐXX hỏi về chi tiết, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của chị Hương, mẹ đẻ của chị Hương thì có thu được một con lợn nhựa màu xanh lá. Bà Hương trình bày, đó là con lợn nhựa để làm đồ chơi cho con mình, gia đình không đút tiền tiết kiệm vào con lợn này.
"Khi cơ quan điều tra tiến hành thu con lợn đó, chị có biết không, và chị có biết bị cáo Lương để tài liệu, đồ vật gì trong con lợn này không?" - HĐXX hỏi. Bà Hương lặp lại là "không biết".
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án gian lận điểm thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này, cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ 28 đơn vị vật chứng có liên quan đến vụ án.
Đáng chú ý, tại mục số 22 phần Vật chứng (chuyển theo hồ sơ vụ án), vật chứng là 1 (một) con lợn nhựa màu xanh lá cây. Theo mô tả, con lợn nhựa này có kích thước dài nhất từ đầu đến đuôi dài 24cm, rộng 19cm, cao 15cm. Tại vị trí chính giữa lưng bị vỡ, tạo thành một lỗ thủng.
Tại phiên xét xử ngày 14/10/2019, bị cáo Vũ Trọng Lương thừa nhận với HĐXX rằng, đã bỏ thẻ nhớ điện thoại của mình vào con lợn nói trên. Tuy nhiên, thẻ nhớ này đã bị mất, cơ quan điều tra cũng không thu giữ được.
Bị cáo Lương khai, bên trong thẻ nhớ nói trên là dữ liệu ghi âm cuộc nói chuyện giữa bị cáo này với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) vào tối 18/7/2018, có nội dung: "Anh Hoài có nói là cứ lôi chị Chính vào, thế còn các trường hợp của anh thì nói thế nào? Anh Hoài nói tôi không được khai, tôi nói tiếp, nếu bị khởi tố tôi sẽ thuê luật sư”.
Trong một diễn biến khác liên quan, Infonet đưa tin, TAND tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ chỉ “gói gọn” trong 3 ngày, từ 14-16/10/2019.
Tuy nhiên, việc bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí) và Vũ Trọng Lương (nguyên Phó phòng Khảo thí) quanh co chối tội cũng đã khiến cho thời gian xét xử kéo dài hơn so với dự kiến.
Đến sáng 16/10, HĐXX mới bắt đầu thẩm vấn 180 nhân chứng được triệu tập, trong số này, có 82 nhân chứng có đơn xin xét xử vắng mặt. HĐXX cho biết sẽ công bố lời khai tại cơ quan điều tra của những nhân chứng vắng mặt.
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Vương Thị Thu Hà cho biết, việc có nhiều nhân chứng cần thẩm vấn nên phiên tòa sẽ kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến. Thay vì kết thúc vào chiều 16/10, dự kiến sẽ kết thúc trong ngày 18/10.
Để tạo điều kiện cho các nhân chứng đa phần là cán bộ công chức, bà Hà cho biết TAND tỉnh Hà Giang đã gửi công văn đến các cơ quan, nơi các nhân chứng làm việc, nhờ tạo điều kiện cho các nhân chứng có mặt tại tất cả các ngày diễn ra phiên tòa.
Đặc biệt, với các cán bộ công chức đang công tác trong ngành giáo dục, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà yêu cầu ông Nguyễn Thế Bình – Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, tham dự phiên tòa với tư cách Người có quyền và nghĩa vụ liên quan – tạo điều kiện để các cán nhân chứng đang công tác trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh tham dự đầy đủ.
Ngoài những nhân chứng có mặt trong phòng xử án, TAND tỉnh Hà Giang còn bố trí hai khu vực bao gồm Hội trường lớn tầng hai và sảnh lớn tại tầng một để những người còn lại có thể theo dõi qua màn hình lớn.
Để tạo điều kiện tối đa cho phiên tòa này, những vụ án khác theo lịch xét xử diễn ra trong thời điểm này đã được TAND tỉnh Hà Giang thực hiện việc xét xử “nhờ” bên TAND thành phố Hà Giang.