PhapluatNet nhận được đơn phản ánh của ông Trần Văn Chăm trú tại Thôn Chúng, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang về việc gia đình ông mua 36 tấn xi măng của Công ty cổ phần Phúc Sơn (xi măng Phúc Sơn) để phục vụ việc xây nhà. Trong quá trình đổ cột bê tông gia đình phát hiện xi măng không đông kết và rơi vãi khi tháo cốt pha.
Sau quá trình tích cóp, vay mượn được một số tiền nên gia đình ông Trần Văn Chăm có họp bàn và quyết định xây dựng một căn nhà mới để thay đổi căn nhà cũ cho gia đình có chỗ che mưa che nắng được tươm tất. Sau khi họp bàn và được sự nhất trí trong gia đình, ông Chăm đã tìm hiểu các loại vật liệu xây dựng trên thị trường vì ông hiểu muốn có một ngôi nhà chắc chắn thì cần phải có vật liệu tốt như: sắt thép, cát sỏi, gạch...và đặc biệt là chất lượng xi măng. Vậy nên, ông Chăm đã tìm hiểu rất nhiều hãng xi măng trên thị trường và thấy rằng quanh khu vực gia đình ông sinh sống, mọi người thường sử dụng xi măng Phúc Sơn để xây dựng. Cuối cùng ông Chăm cũng quyết định dùng xi măng Phúc Sơn để phục vụ cho việc xây dựng căn nhà của mình.
Sau đó, ông Chăm có đến Đại lý phân phối của xi măng Phúc Sơn đặt mua 36 tấn để phục vụ việc xây dựng. Trong quá trình xây dựng gia đình vẫn không phát hiện thấy có gì bất thường. Đến ngày 24/4, ông có đến đại lý lấy tiếp 9 tấn xi măng Phúc Sơn về đổ trần tầng 2 và đổ 6 cột bê tông để lên tầng 3 thì phát hiện có dấu hiệu bất thường. Khi đổ xong và chờ xi măng đông kết để tháo cốt pha, ngày 2/5, sau khi đã đúng thời gian tháo dỡ cốp pha, đội xây dựng và cả gia đình ông đều bất ngờ khi 2 trong 6 cột bê tông không đông kết và mềm bở.
Trước tình trạng đó, ông Chăm đã ghi lại hình ảnh và gọi điện cho đại lý phân phối xi măng Phúc Sơn xuống để phản ánh. Nhận được phản ánh của ông Chăm, đại diện đại lý bán xi măng là ông Tạ Đình Tôn cùng đại diện Công ty xi măng Phúc Sơn là ông Đỗ Văn Mạnh – nhân viên kỹ thuật đã xuống gia đình để ghi nhận hiện trường và làm biên bản khảo sát hiện trạng. Sau đó có nói với gia đình ông Chăm là cứ tiếp tục thi công, khi nào có kết quả của phòng kỹ thuật của nhà máy thì sẽ trả lời chi tiết cho ông sau.
Khi nghe được ông Mạnh nói vậy, cộng thêm với lòng tin vào chất lượng của xi măng Phúc Sơn nên ngày 3/5, gia đình ông Chăm tiếp tục đổ 4 cột bê tông nữa. Sau khi chờ đủ 24 tiếng, là thời gian đủ để tháo dỡ cốp pha nên gia đình ông Chăm đã tháo dỡ nhưng thật bất ngờ, gia đình ông lại phát hiện 2 trong 4 cột bê tông đã đổ lại không đông kết, có hiện tượng giống hiện tượng như lần đổ trước.
Nhận thấy xi măng có vấn đề về chất lượng, ông Chăm tiếp tục gọi điện cho đại lý và Công ty Phúc Sơn đến để kiểm chứng, nhưng khi ông gọi cho Công ty Phúc Sơn thì nhận được câu trả lời: “Không cần đến vì đã khảo sát trước rồi, đang chờ kết quả trả lời”. Gia đình ông Chăm đã đề nghị Công ty thử nghiệm 44 bao xi măng còn lại tại nhà ông để xem còn bao nào kém chất lượng hay không thì phía Công ty khất lần khất lượt từ ngày này sang ngày khác. Đến khi kiểm tra chất lượng thì phía Công ty lại cho người mang nước với máy trộn từ Công ty lên để thực nghiệm. Điều này khiến gia đình ông Chăm không hài lòng: "Công ty làm như vậy thì khác nào bảo tất cả các gia đình ở Bắc Giang muốn xây nhà như gia đình tôi phải đến xin nước và thuê máy trộn của Công ty Phúc Sơn hay sao?", ông Chăm cho biết.
Sau khi liên tiếp nhận được phản ánh của gia đình ông Chăm về chất lượng sản phẩm của Công ty Phúc Sơn trong thời gian ngắn. Ngày 5/5, phía Công ty Phúc Sơn có cử một số đại diện của Công ty xuống để xác nhận sự việc. Trong buổi làm việc gồm có: Đại diện phía Công ty là bà Lưu Thị Lan – Quản đốc bộ phận QLCT, ông Đỗ Văn Mạnh – nhân viên kỹ thuật, ông Vũ Trung Kiên – nhân viên kinh doanh thị trường, ông Tạ Đình Tôn – nhà phân phối, ông Trần Văn Chăm – đại diện gia đình (sử dụng xi măng Phúc Sơn) và đại diện chính quyền địa phương là ông Nguyễn Văn Bình.
Công ty Phúc Sơn xác nhận gia đình ông Chăm đang sử dụng xi măng đóng bao Phúc Sơn PCB40, số lô PS40-017, sản xuất tháng 4/2018 để xây nhà và khi đổ 10 cột bê tông lên tầng 3 thì có 4 cột không đông kết. Tuy nhiên, để xác định chính xác được nguyên nhân thì cần phải có thời gian kiểm tra chất lượng xi măng, khi nào có kết quả sẽ phúc đáp tới gia đình sau.
Liên quan đến phán ánh về chất lượng của xi măng Phúc Sơn, PV PhapluatNet có trao đổi với ông Trần Duy Khánh – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sơn, là đơn vị sản xuất xi măng Phúc Sơn, ông Khánh xác nhận: Phía Công ty Phúc Sơn có nhận được sự phản ánh về chất lượng xi măng không đảm bảo của ông Trần Văn Chăm. “Phía Công ty Phúc Sơn đã cho kỹ thuật xuống kiểm tra 3 lần, đã giải thích cho gia đình nhưng gia đình vẫn cố tình không nghe. Chất lượng xi măng của Công ty là đạt chuẩn, vì mỗi ngày Công ty Phúc Sơn sản xuất ra hàng chục tấn xi măng”, ông Khánh nói.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin!
Huy Tưởng