Ngày 28/8, TAND TP.Hà Nội tiến hành mở phiên tòa xét hỏi lần lượt các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Người đầu tiên đứng lên bục khai báo trả lời thẩm vấn là bị cáo Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).
Theo truy tố, sau khi được PVTEX cho tạm ứng 20 tỷ đồng, bị cáo Hồng đã sử dụng sai mục đích, không tiếp tục thực hiện hợp đồng, cố ý làm trái khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ, dẫn đến dự án dở dang, xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Hồng khai: Quá trình quản lý và điều hành, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT, bị cáo Hồng quen với Trịnh Xuân Thanh qua một số người giới thiệu. Trước thời điểm này bị cáo chưa quen biết Vũ Đình Duy (nguyên TGĐ PVTEX) và Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX).
Trong thời gian đó, PVC Kinh Bắc có liên kết cùng công ty cổ phần thiết kế quốc tế HEERIM.PVC để cùng thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây lắp Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên” của PVTEX.
Trước và sau khi ký hợp đồng số 14/2010 về việc lập dự án đầu tư thi công xây dựng gói thầu lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng giai đoạn I Dự án nhà ở, bị cáo Hồng khai hoàn toàn không có số tiền chi hoa hồng cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
“Tổng giá trị hợp đồng là hơn 101 tỷ đồng (giai đoạn 1). Để thực hiện hợp đồng này, PVC Kinh Bắc đã tổng hợp nguồn lực, trang thiết bị, nhân công, lập dự án thiết kế… Giữa PVC Kinh Bắc và HEERIM-PVC có thỏa thuận và được HEERIM ủy quyền nên PVC Kinh Bắc đã ký hợp đồng đó”, bị cáo Hồng khai.
Liên quan đến việc ký kết Hợp đồng 14, bị cáo Hồng khai không đọc căn cứ để ký hợp đồng. Sau khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới nhận thức được sai phạm của bản thân khi sử dụng tiền tạm ứng vào mục đích khác nên đã chủ động trong việc khai báo, mong muốn khắc phục hậu quả.
Bị cáo Hồng nói thêm, để được thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy yêu cầu bị cáo Hồng phải góp cổ phần cho Duy và Hiếu. Theo bị cáo này khai: “Ông Duy cùng vài người có ý định thành lập công ty riêng; tôi là người chen ngang xin thành lập nên tôi phải nộp tiền; nếu tôi không nộp thì PVTEX Kinh Bắc chưa chắc được thành lập”.
Với mong muốn được khắc phục hậu quả, bị cáo Hồng nói toàn bộ tài sản hiện nay của Hồng đều là tài sản chung vợ chồng và đang được cầm cố tại ngân hàng. “Bị cáo nhận thức được trách nhiệm của mình, thấy rõ sai lầm trong quá trình làm việc; xuất phát từ nhận thức sai lầm, bị cáo đã chủ động khai báo và khắc phục hậu quả”, bị cáo Hồng nói.
Ngoài ra, Đỗ Văn Hồng còn có hành vi đưa 6 tỷ đồng cho Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy thông qua việc góp vốn cổ phần tại PVTEX Kinh Bắc, có dấu hiệu phạm tội Đưa hối lộ.
Nhưng do Đỗ Văn Hồng bị ép buộc và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, vì vậy, căn cứ khoản 7 Điều 364 BLHS năm 2015, cơ quan điều tra đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đỗ Văn Hồng về hành vi này là có cơ sở.
Cơ quan tố tụng cũng xác định, khi thực hiện Hợp đồng số 173 với PVC để thực hiện một số hạng mục tại Dự án xây dựng nhà máy Polyeste Đình Vũ, sau khi được tạm ứng 25 tỷ đồng, Đỗ Văn Hồng không sử dụng vào dự án.
Nhưng sau đó Đỗ Văn Hồng và PVC.KBC vẫn hoàn thành các phần việc theo Hợp đồng số 173, vì vậy cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với Hồng về sai phạm trong việc đề xuất tạm ứng, sử dụng sai mục đích tiền tạm ứng theo Hợp đồng số 173.
Tuy nhiên, hành vi này có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nên cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tư Viễn