Trong buổi sáng này ngày 22/5, HĐXX đã công bố lời khai của nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình về việc có giao nhiệm vụ cho bác sĩ Lương hay không.
Trong suốt 6 ngày xét xử vừa qua, ông Dương và ông Thắng đều không có mặt, nhiều luật sư cho rằng, hai ông này là nhân vật chủ chốt trong việc thực hiện hợp đồng sửa chữa mà vắng mặt sẽ làm ảnh hưởng đến việc xét xử của vụ án nghiêm trọng này.
Tuy nhiên luật sư cho rằng, lời khai này không có giá trị về mặt pháp lý.
HĐXX đã công bố lời khai của ông Trương Quý Dương tại cơ quan điều tra. Ông Dương khai, đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực (HSTC), bác sỹ Hoàng Công Lương có nhiệm vụ chính là điều trị người bệnh, phối hợp khoa Cấp cứu tham gia cấp cứu tại BV trong tình huống xảy ra cấp cứu, thảm họa, phối hợp với khoa Cấp cứu hỗ trợ chuyên môn, điều trị lọc máu cấp cứu tại đơn nguyên, quản lý nhân lực, tài chính của Khoa.
Về nội dung có phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương, ông Dương khai có nắm được việc phân công cho bị cáo Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên thận nhân tạo thông qua ông Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực (khoa này có 2 đơn nguyên: Đơn nguyên thận nhân tạo và Đơn nguyên Hồi sức tích cực).
Cụ thể, Hoàng Công Lương theo quyết định phân công nhiệm vụ nội bộ của Khoa Hồi sức tích cực có nhiệm vụ chính như sau: Điều trị, chăm sóc tích cực tất cả các bệnh nhân tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện và các đơn vị khác chuyển đến; phối hợp với khoa cấp cứu, tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa; phối hợp với khoa cấp cứu hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa, phòng trong bệnh viện; điều trị lọc máu cấp cứu và lọc máu chu kỳ trong đơn nguyên thận nhân tạo; nghiên cứu khoa học và chỉ đạo cho tuyến dưới; quản lý tài chính của khoa; quản lý nhân lực đến từng vị trí việc làm và quản lý việc thực hiện các nội quy quy định hiện hành của bệnh viện.
Cũng theo lời khai của ông Dương, sau khi ký hợp đồng sửa chữa hệ thống nước RO số 2, bệnh viện đã triển khai nội dung cụ thể. Ông Dương giao trách nhiệm cho Phòng vật tư phối hợp với khoa hồi sức tích cực chịu trách nhiệm thực hiện.
Các đơn vị này phân công cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát nhà thầu trong việc cung cấp thiết bị, giám sát quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm… nếu đạt yêu cầu báo cáo lãnh đạo khoa, bệnh viện tổ chức nghiệm thu và nhận bàn giao.
Việc sửa chữa thay thế phải đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước sử dụng trong máy chạy thận nhân tạo, chịu sự giám sát của nhân viên bệnh viện. Chỉ được hợp nhất nguồn nước đưa vào chạy thận khi đảm bảo nghiệm thu và đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa.
Ông Dương khẳng định hoàn toàn không biết việc Công ty Thiên Sơn đã "bán cái" cho Công ty Trâm Anh thực hiện việc sửa chữa hệ thống nước RO tại bệnh viện. Ông Dương đại diện bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn ngày 25-5-2017 nhưng ngay sau đó công ty này đã "bán cái" lại cho Công ty Trâm Anh trong cùng ngày.
HĐXX công bố lời khai của ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư và Thiết bị y tế bệnh viện Hòa Bình đối với nhiệm vụ của bị cáo Trần Văn Sơn. Theo đó, bị cáo Sơn công tác tại phòng Vật tư từ 2/8/2013, chịu trách nhiệm phụ trách mảng trang thiết bị y tế, bao gồm quản lý hồ sơ trang thiết bị, kiểm định trang thiết bị trong viện theo quy định của Nhà nước, tham mưu báo cáo cho Trưởng phòng các vấn đề trong phòng về trang thiết bị y tế, trực tiếp quản lý bảo dưỡng sửa chữa trang thiết bị y tế tại đơn nguyên Thận nhân tạo, HSCC, khoa Mắt. Sơn đã tốt nghiệp cao đẳng Trang thiết bị y tế loại giỏi, có đủ điều kiện và trình độ thực hiện nhiệm vụ.
Đối với máy lọc nước RO số 2, Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa; lập hồ sơ theo dõi hoạt động thiết bị, hằng ngày xuống Khoa kiểm tra thiết bị có bình thường ko, nếu không thì làm thủ tục đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng.
Việc vận hành hệ thống RO số 2 không thuộc trách nhiệm của Trần Văn Sơn mà thuộc về đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Điều trị tích cực. Báo giá sẽ được trình lên phòng Tài chính kế toán và làm đơn giá trình GĐ phê duyệt. Người có thẩm quyền phê duyệt là GĐ bệnh viện. Từ khi đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng được thể hiện trên lý lịch của máy.
Thắng khai tiếp, "việc bàn giao hệ thống RO số 2 trước, trong và sau sửa chữa do anh Trần Văn Sơn phối hợp cùng Khoa và đơn vị sửa chữa thực hiện. Việc bàn giao giữa Bùi Mạnh Quốc và Sơn do Sơn thực hiện và không có báo cáo với tôi bằng văn bản".
Sau khi nghe xong lời khai của ông Thắng, bị cáo Sơn nói: "Bị cáo có ý kiến, ông Thắng chỉ đạo bị cáo thực hiện theo hợp đồng, chưa được ai bàn giao hợp đồng. Chỉ nghe ông Thắng nói hoàn thiện các thủ tục".
Tại tòa, đại diện Công ty Thiên Sơn tiếp tục khẳng định không có trách nhiệm trong thảm họa y khoa 9 người chết vì cho rằng nguyên nhân là do các bị cáo đưa thiết bị vào sử dụng khi chưa sửa chữa xong, chưa bàn giao thiết bị và thanh lý hợp đồng với bệnh viện.
Công ty Thiên Sơn cũng khẳng định không chịu trách nhiệm bồi thường mà chỉ "chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân". Công ty đã chuyển 370 triệu đồng cho bệnh viện để hỗ trợ gia đình các bệnh nhân.
Đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định trong những lần sửa chữa trước đây chỉ bàn giao bằng văn bản không có hình thức bàn giao nào khác. Nếu sửa chữa thiết bị có liên quan đến nguồn nước thì điều kiện để bàn giao là phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm và có kết quả đạt chuẩn.
Về việc các bị cáo và một số bác sĩ khai từ trước đến nay vẫn đưa thiết bị vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa, việc lấy mẫu nước xét nghiệm được thực hiện sau đó để hoàn thiện hồ sơ về mặt thủ tục, đại diện Thiên Sơn cho rằng đây là "lời khai vô trách nhiệm".
Vũ An (TH)