Ngày 10/11/2017, Sở Y tế tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hóa gửi báo cáo về việc xuất hiện mẫu thuốc giả Lincomycin 500mg về Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Trong Công văn số 839/CL-CTD của Công ty cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hóa kèm báo cáo kiểm nghiệm, hồ sơ lô, đặc điểm nhận biết về thuốc giả ghi mạo danh Viên nang Lincomycin 500mg, SDK: VD-13960-11, Số lô: 175, HD: 06/02/2019, Công ty cổ phần dược và VTYT Thanh Hóa sản xuất được Trung tâm kiểm nghiệm Gia Lai lấy mẫu tại Quầy thuốc Hồng Loan (DSTH Nguyễn Thị Hồng Loan), địa chỉ Thôn 2, xã Thắng Hưng, huyện Chư P Rông, tỉnh Gia Lai.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 22214/QLD-CL ngày 26/12/2017 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để thông bá, nhận biết đặc điểm của thuốc giả Lincomycin 500mg, SĐK: VN- 13960-11. Số lô: 175. HD: 06/02/2019, trên nhãn ghi mạo danh cơ sở sản xuất là Công ty Cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hoá.
Theo đó, thuốc thật Lincomycin 500mg có các đặc điểm như: Vỉ thuốc có rãnh dọc cắt hờ liên tục hoặc đứt đoạn nhưng thẳng nhau; Logo và ký hiệu GMP thẳng hàng hai bên cột thuốc (rãnh dọc ở giữa); bột thuốc kết tinh màu trắng hoặc trắng ngà có ánh lấp lánh; Số lô và hạn dùng ở đầu vỉ.
Trong khi đó, thuốc giả Lincomycin 500mg có thể nhận biết qua rãnh dọc cắt hờ bao gồm từng đoạn không thẳng nhau; Logo và ký hiệu GMP so le hai bên cột thuốc (rãnh dọc ở giữa); bột lẫn hạt màu vàng xám, không có ánh lấp lánh, khi đốt cháy bột mùi không rõ; Số lô và hạn dùng ở cuối vỉ.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn, bán sử dụng Viên nang Lincomycin 500mg giả có các dấu hiệu nhận biết như trên; tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng: Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả nêu trên; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
P. V (Tổng hợp)