Ngày 12/12, Toà án nhân dân TP.HCM thông báo về việc bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm và nhiều bị hại của vụ án kháng cáo đối với bản án sơ thẩm ngày 17/10. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án liên quan trực tiếp đến mình.

Ngoài bị cáo Lan, có 28/33 bị cáo khác cùng bị Toà án nhân dân TP.HCM kết án về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong đó, có bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột của bà Lan), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB) và Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB).
Đáng chú ý, ông Chu Lập Cơ – chồng bà Lan bị tuyên mức án 2 năm tù về tội “Rửa tiền” nhưng ông không kháng cáo.
Ngoài ra, Toà án nhân dân TP.HCM cũng nhận được đơn kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các bị hại của vụ án Vạn Thịnh Phát trong giai đoạn 2.
Cụ thể, ông Trương Lập Hưng kháng cáo đề nghị gỡ bỏ tài khoản bị phong toả, ngân hàng SCB kháng cáo về phần xử lý vật chứng các tài sản trong vụ án liên quan đến ngân hàng này, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) kháng cáo phần kê biên tài sản, phần thu hồi cổ phần và giải toả ngăn chặn giao dịch.
Các cá nhân khác gồm: ông Lâm Minh Vân và Lâm Thanh Bình kháng cáo về việc thu hồi tài sản trong vụ án, bà Tống Thị Thanh Hoàng kháng cáo về các tài sản bị ngăn chặn giao dịch liên quan đến ông Nguyễn Tiến Thành - cựu Chủ tịch Công ty Chứng khoán Tân Việt (đã mất); ông Nguyễn Thành Phương kháng cáo về phần xử lý vật chứng liên quan đến bà Nguyễn Phương Hồng - cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB (đã mất).
Đáng chú ý, Công ty Tư nhân TNHH Amaland và Công ty TNHH Đô thị Sing Việt kháng cáo liên quan đến dự án khu đô thị và khu tái định cư Sing Việt tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tuy nhiên, đơn vị này sau đó đã rút kháng cáo.
Ngoài ra, nhiều bị hại là những người đầu tư trái phiếu cũng có đơn kháng cáo do không có tên trong danh sách bị hại hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi, gốc theo đúng hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký kết.
Trước đó, vào ngày 17/10/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền, 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Về trách nhiệm dân sự, tòa xác định toàn bộ tiền chiếm đoạt từ hành vi phát hành trái phiếu đều được chuyển cho bà Lan sử dụng vào các mục đích cá nhân nên bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản có liên quan đến sai phạm của bà Lan và gia đình để đảm bảo cho việc thi hành án.
Với vai đồng phạm ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) bị phạt 5 năm tù.
Đối với Võ Tấn Hoàng Văn, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo có vai trò chỉ đạo mạng lưới điều hành, giúp sức tích cực cho bà Lan trong việc chiếm đoạt tiền của các bị hại. Bị cáo còn lợi dụng nghiệp vụ ngân hàng để chỉ đạo, giúp sức bà Lan trong việc chuyển tiền qua biên giới. Do đó, tòa tuyên phạt bị cáo Văn 17 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 năm đến 23 năm với vai trò đồng phạm về một tội hoặc nhiều tội trong số các tội trên.