Trước đó, Diễn đàn Pháp luật đã đăng bài “Nhà đầu tư và thị trường chứng khoán chịu tác động ra sao khi ‘cá mập’ bán cổ phiếu ‘chui’?”. Theo đó, nội dung bài đã chỉ ra những tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và nhà đầu tư khi các cá nhân bán cổ phiếu không thông báo theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ bán ‘chui’ cổ phiếu trước đây, tuy nhiên, các cá nhân vẫn vì lợi ích kinh tế mà bất chấp vi phạm pháp luật. Có người vi phạm đến lần thứ 2 như trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết ¬ Chủ tịch FLC Group.
Sau khi ông Quyết bị bắt, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm làm trong sạch thị trường. Đồng thời các nhà đầu tư cho rằng cơ quan chức năng cần bổ sung thêm chế tài thật nặng để xử lý các hành vi sai phạm này.
Bán cổ phiếu ‘chui’ sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật quốc tế TNTP cho biết, việc mua bán “chui” cổ phiếu sẽ được xử lý theo Điều 33 Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch. Theo đó, vi phạm này có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm: Xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân, đồng thời theo Nghị định số 128/2021/ND-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/ND-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch được nêu rõ trong khoản 5 điều 33 ND 128/2021/ND-CP. Theo đó, xử phạt từ 5 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với giao dịch dưới 10 tỷ đồng. Phạt từ 3%-5% đối với giao dịch trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề bán cổ phiếu không công bố có bị xử lý hình sự không thì ông Hà cho biết: “Đối với cá nhân, khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 209 Bộ luật hình sự với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 209 Bộ luật hình sự với mức phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân, pháp nhân thương mại phạm tội tùy theo mức độ sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Pháp luật xử lý hành vi bán “chui” cổ phiếu đã đủ tính răn đe và nghiêm minh?
Thực tế cho thấy, dù rất nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhưng hầu như các vụ xử lý hình sự vi phạm về lĩnh vực chứng khoán còn ít. Hơn nữa, các vi phạm hành chính vẫn áp dụng chế tài xử phạt nhẹ nên nhiều cổ đông lớn sẵn sàng đánh đổi chi phí phạt và lợi nhuận thu về.
Ông T.H – một nhà đầu tư bức xúc: “Mức xử phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là chưa thỏa đáng. Con số bị xử phạt cho việc bán chui cổ phiếu là quá nhỏ so với lợi nhuận thu được từ chứng khoán nên không đủ tính răn đe”.
Luật sư Hà cũng đưa ra quan điểm: “Cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng. Nên áp theo mức phạt từ 50-250 triệu đồng đối với những giao dịch "chui" có tổng giá trị theo mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng, phạt 20-30% trên tổng giá trị bán vi phạm pháp luật, hoặc nếu chứng minh được tiền trục lợi từ hành vi này gây ra có thể phạt tới 30-40% lợi nhuận thu được, sửa luật theo hướng tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm, trong đó có việc "bán chui" cổ phiếu, thậm chí nếu nặng có thể truy tố và không cho phép làm người đại diện pháp luật.
Hiện nay, ở Mỹ và Trung Quốc, Luật Hình sự đã được sửa đổi với khung hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận, cung cấp sai thông tin và thao túng thị trường. Theo đó, mức án tối đa dành cho tội phạm gian lận phát hành chứng khoán và cung cấp thông tin sai lệch được nâng lên lần lượt là 15 năm và 10 năm tù giam”.
Lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ trong bối cảnh hiện nay
Theo ý kiến của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư nhỏ cần lọc ra những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, người quản lý uy tín, doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch xem liệu công ty trước đây có vấn đề gì liên quan đến bị xử lý vi phạm hành chính không, đặc biệt là đối với vi phạm về công bố thông tin.
Ngoài ra, để đánh giá tính minh bạch của công ty, nhà đầu tư cần phải biết đọc hiểu báo cáo thường niên và báo cáo tài chính . Từ đó tự mình đưa ra những phân tích về tính chuyên nghiệp, hợp lý, bao quát về tình hình hoạt động của công ty mà có những phân tích đánh giá riêng để quyết định đầu tư, không đầu tư theo đám đông.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin