Dư âm những thiệt hại của các NĐT do việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bán “chui” 175 triệu cổ phiếu ngày 10/1 chưa qua, thì mới đây, các NĐT lại nhận tin lãnh đạo một ngân hàng giao dịch cổ phiếu từ ngày 7/2 - 24/2/2022 theo phương thức khớp lệnh song tới 1/4 mới công bố thông tin.
Thế nào là “bán cổ phiếu chui”?
Điều 33, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: Người nội bộ phải công bố thông tin, báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết) trước và sau khi thực hiện giao dịch. Trong đó, giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá hoặc theo giá phát hành gần nhất hoặc giá trị chuyển nhượng, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán.
Thời gian công bố thông tin là trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch ít nhất 03 ngày làm việc, người nội bộ có nghĩa vụ công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 96/2020/TT-BTC. Đồng thời, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ phải công bố thông tin về kết quả giao dịch và giải trình nguyên nhân không thực hiện/không thực hiện hết khối lượng giao dịch đã đăng ký (nếu có).
Như vậy, hiện tượng cổ đông sáng lập và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu 03 ngày làm việc theo quy định của Thông tư 96/2020/TT-BTC được các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam gọi là “bán chui cổ phiếu”.
Việc nhiều công ty bán “chui” cổ phiếu không chỉ xuất hiện nhiều từ cuối năm 2021 đến nay mà trước đó, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến nhiều ông chủ lớn đầu cơ trục lợi bằng cách mua, bán cổ phiếu mà không báo cáo hay công bố thông tin. Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không đảm bảo sự minh bạch của thị trường chứng khoán.
Tác động của việc bán “chui” cổ phiếu đối với các bên ra sao?
Để hiểu cụ thể những tác động của việc bán cổ phiếu không thông báo đến các bên ra sao, chúng ta sẽ tìm hiểu vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu không thông báo ngày 10/1 vừa qua.
Theo quy định, người vừa là cổ đông lớn, vừa là lãnh đạo công ty như ông Trịnh Văn Quyết thuộc đối tượng phải công bố thông tin. Giả sử thông tin ông Quyết đang ký bán 175 triệu cổ phiếu được công bố rộng rãi ngày 5/1, trước ngày ông Quyết thực hiện bán cổ phiếu, NĐT có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng và phản ứng thị trường trước khi giao dịch. Như vậy, NĐT có thể nhanh chóng chốt lãi, giảm thiểu thua lỗ trước khi ông Quyết bán ra. Tuy nhiên về phía ông Quyết, khi các NĐT phản ứng mạnh khiến cho giá cổ phiếu giảm sàn thì số tiền từ việc bán cổ phiếu của ông Quyết thu về có thể ít hơn rất nhiều. Đây có thể lý do khiến ông Quyết bất chấp quy định mà bán “chui” cổ phiếu?
Tối ngày 11/1, sở giao chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo sẽ hủy bỏ giao dịch bán 74.8 triệu cổ phiếu hôm 10/4 của ông Quyết, lý do là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty FLC không báo cáo, không công bố trước khi giao dịch nhằm ngăn chặn hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Việc thực hiện hủy giao dịch sẽ không khó khăn do giao dịch mới được xác lập nhưng chưa hoàn thành thanh toán bù trừ. Tuy nhiên, HoSE chỉ hủy giao dịch của 74.8 triệu cổ phiếu chưa được khớp lệnh, số còn lại vẫn giao dịch bình thường. Như vậy, người chịu thiệt hại là những NĐT không khớp lệnh đối ứng với 74.8 triệu cổ phiếu này mà khớp với một số lệnh bán ra khác. Họ không được hoàn tiền, nhưng vẫn bị ảnh hưởng làm giá cổ phiếu giảm.
Trong phiên, ngày 10/1 có hơn 160 triệu cổ phiếu nằm ngoài giao dịch của ông Quyết được sang tay, các NĐT này cho đến nay đã chịu một khoản lỗ không nhỏ. Đồng thời, các NĐT ôm mã FLC cũng lỗ do giá cổ phiếu trượt dốc, không có người mua.
Thêm một bên nữa tác động nặng nề là các công ty chứng khoán, bởi nếu giao dịch mua bán bình thường thì họ sẽ được hưởng 0.1%-0.35%. Với giá trị mua bán của ông Quyết trong ngày 10/1 thì các công ty chứng khoán thu về có thể hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sai phạm của ông Quyết khiến các công ty chứng khoán này bị thiệt hại.
Như vậy, việc lãnh đạo của một doanh nghiệp "bán chui" cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nề về tiền, mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình. Các công ty chứng khoán và các nhà đầu cơ chứng khoán bị rủi ro. Việc này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.