Quyền lợi của người bị mất thẻ bảo hiểm y tế
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế, người bệnh cần phải có đủ giấy tờ:
- Thẻ bảo hiểm y tế có ảnh còn giá trị sử dụng
- Trường hợp thẻ chưa có ảnh thì xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác
- Trường hợp đang trong chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ thì xuất trình giấy hẹn và một loại giấy tờ chứng minh nhân thân
Khi người tham gia bảo hiểm mất thẻ bảo hiểm y tế mà cần đi khám thì có thể xảy ra 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1, đi làm lại thẻ nhưng chưa đến hạn được cấp
Khoản 3 điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Khi đó, người bị mất thẻ bảo hiểm y tế được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như trường hợp có thẻ bảo hiểm.
Trường hợp 2, không kịp làm lại thẻ bảo hiểm y tế
Trường hợp này sẽ không được thanh toán mức hưởng bảo hiểm y tế ngay tại bệnh viện do không thực hiện đúng thủ tục theo quy định.
Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải tự thanh toán các chi phí tại cơ sở khám chữa bệnh rồi lấy hóa đơn về thanh toán trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, quy định tại khoản 4 điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện:
1. Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại khoản 1 điều 15 Nghị định này; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.
2. Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Để đảm bảo quyền lợi về lâu về dài, người bị mất thẻ bảo hiểm y tế nên thực hiện việc xin cấp lại ngay sau khi thẻ bị mất.
Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
Theo Điều 18 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người tham gia bảo hiểm y tế được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp bị mất như sau:
- Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định việc cấp lại thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Bước 1. Chuẩn bị 1 bộ hồ sơ
Thành phần hồ sơ gồm có:
+ Đối với người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
+ Đối với đơn vị sử dụng lao động: Bảng kê thông tin (Mẫu D01 -TS).
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người tham gia bảo hiểm y tế nộp hồ sơ tại:
+ Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nếu người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng do bảo hiểm xã hội huyện thu.
+ Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nếu là người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng do bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp thu.
Bước 3. Giải quyết hồ sơ
Căn cứ vào Tờ khai của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ kiểm tra, xem xét hồ sơ. Nếu đủ điều kiện sẽ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia.
Ngoài ra, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai liên thông thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=1.002759
Hình thức này chỉ áp dụng với người tham gia bảo hiểm y tế theo đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, trình tự thực hiện thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế khi bị mất thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục về cấp lại thẻ bảo hiểm y tế thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của tổ chức I-VAN.
Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN.
Cá nhân nhận, thẻ bảo hiểm y tế tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đơn vị sử dụng lao động nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích và trả kịp thời cho người lao động.