Ngày 12/11, Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội cho biết Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Bích Thuận (SN 1976, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa) và Trần Thị Bích Vân (SN 1983 tuổi, em gái Thuận, trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa) về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Theo cơ quan chức năng, bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát hình sự phối hợp Công an phường Phương Liên kiểm tra ngôi nhà ở ngõ 70 Kim Hoa (phường Phương Liên), phát hiện Thuận đang ở cùng một số phụ nữ đang mang thai, có dấu hiệu nghi vấn.
Làm việc với người phụ nữ tên M. (quê Cà Mau), cơ quan chức năng xác định chị này được Thuận môi giới đẻ thuê cho một gia đình anh T. ở Nghệ An. Nếu thành công, chị M. sẽ nhận 280 triệu đồng tiền công. Số tiền này sẽ được chia thành nhiều đợt theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Ngày 11/4, M được Thuận đưa đi cấy phôi thai thành công tại Bệnh viện. Đến giai đoạn này, chị M nhận được 50 triệu đồng.
Tiếp tục làm việc với gia đình thuê người đẻ hộ, cảnh sát biết đôi vợ chồng quê Nghệ An này không có khả năng sinh nở vì đã lớn tuổi. Họ liên lạc với Trần Thị Bích Vân để tìm người đẻ thuê. Sau đó, Vân đã hướng dẫn vợ chồng anh T. đến Bệnh viện tạo phôi và lưu trữ phôi. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục về việc lưu trữ phôi được giao lại cho Vân.
Chi phí trọn gói là 800 triệu đồng. Số tiền này được chia thành nhiều đợt chuyển cho Vân qua tài khoản ngân hàng. Và chị M chính là người phụ nữ được Thuận và Vân móc nối giúp vợ chồng anh T. mang thai hộ. Đến thời điểm bị phát hiện, vợ chồng anh chị T. đã chuyển khoản cho Vân 500 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, Công an quận Đống Đa còn xác định Vân môi giới cho vợ chồng anh D. (ở quận Thanh Xuân) một người mang thai hộ với giá 1 tỷ đồng/thai đơn hoặc 1,5 tỷ đồng/thai đôi. Vợ chồng này đã chuyển cho Vân 200 triệu đồng để cấy phôi cho người phụ nữ nhận mang thai hộ.
Theo nhà chức trách, Vân đã có một tiền án về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo Đời sống và Pháp luật