Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty xi măng Việt Nam bị khởi tố

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty xi măng Việt Nam bị khởi tố
Do sai phạm liên quan đến dự án hơn 1.200 tỷ đồng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) gây thất thoát, lãng phí, Chủ tịch Công ty xi măng Vicem cùng một số lãnh đạo công ty bị khởi tố.

Ngày 5/4, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố 4 nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) gồm: ông Lê Văn Chung (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên), Nguyễn Ngọc Anh (cựu Tổng Giám đốc), Dư Ngọc Long (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án), Hoàng Ngọc Hiếu (cựu Trưởng phòng Thẩm định của Tổng công ty Xi măng Việt Nam) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí  theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Trong số 4 bị can, có 3 người bị bắt tạm giam, riêng cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Anh được tại ngoại nhưng áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo Bộ Công an, vụ án xuất phát từ quá trình điều tra các sai phạm trong việc lập hồ sơ và triển khai dự án Tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại Vicem, có địa chỉ tại lô 10E6, Khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, các bị can đã có nhiều vi phạm gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty xi măng Việt Nam bị khởi tố
Công trình của Vicem bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Báo Đầu tư.

Được biết, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được đầu tư từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư xây dựng sau điều chỉnh là hơn 2.743 tỷ đồng. Toà tháp có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, sử dụng làm trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.

Dự án được khởi công vào tháng 5/2011 và đã hoàn thành phần thô công trình vào tháng 8/2015. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu”, bỏ hoang.

Đến tháng 3/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, quá trình chuyển nhượng dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước… nên dự án vẫn không chuyển nhượng được. 

Theo thông báo của Bộ Công an, việc khởi tố vụ án, bị can xuất phát từ nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Các quyết định và lệnh tố tụng đối với 4 bị can nêu trên đã được tống đạt, thực thi ngay sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ về các sai phạm của những người đã bị khởi tố. Đồng thời, mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28312 sec| 635.383 kb