Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai.
Qua đó, Tổng cục Môi trường đã ban hành 47 quyết định xử phạt 35 doanh nghiệp và 12 bệnh viện với tổng số tiền hơn 16,3 tỷ đồng.
5 bệnh viện lớn của Hải Phòng bị xử phạt
Trong số các địa phương có đơn vị vi phạm bị xử phạt, Hải Phòng có số lượng nhiều nhất với bảy doanh nghiệp và năm bệnh viện. Tổng số tiền bị xử phạt gần 5,7 tỷ đồng.
Cụ thể, 5 bệnh viện lớn ở Hải Phòng bị xử phạt nặng do những vi phạm trong lĩnh vực môi trường, gồm: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi bị phạt 400 triệu đồng, Bệnh viện Kiến An bị phạt 712 triệu đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp bị phạt 560 triệu đồng; Bệnh viện Phụ sản bị xử phạt 270 triệu đồng; Bệnh viện Trẻ em bị phạt 100 triệu đồng.
7 doanh nghiệp bị xử phạt gồm: Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Minh Phương bị xử phạt trên 1,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt bị phạt 700 triệu đồng, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Cát Long bị phạt 594 triệu đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp bị phạt 516 triệu đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao đỏ bị xử phạt 320 triệu đồng,…
12 đơn vị ở Hà Nội vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Năm 2019, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại 21 đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quá trình thanh tra phát hiện 12 tổ chức (ba bệnh viện, chín doanh nghiệp) có nhiều vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt lên tới gần 3 tỷ đồng, gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm; Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Thăng Long - Việt Nam; Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô; Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản phẩm Ricoh Imaging (Việt Nam); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Stamley Việt Nam; Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Chi nhánh Tổng Cổng ty Viglacera; Công ty Cổ phần Savico Hà Nội; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5; Công ty Cổ phần Dệt 10.10; Công ty Cổ phần X20.
Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang, Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình bị xử phạt
Lào Cai có 11 tổ chức vi phạm bị xử phạt 3,45 tỷ đồng, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai; Công ty CP đầu tư Vạn Thắng; Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai; Công ty TNHH Dệt trang trí Thượng Hải; Công ty TNHH MTV Dệt vải Thiên Nhuận; Trung tâm dịch vụ Khu kinh tế tỉnh Lào Cai.
Các trường hợp vi phạm khác bị xử phạt là Tổng công ty Khoáng sản TKV-CTCP; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung; Công ty CP Đông Tả Phơi - Vinacomin; Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai; Công ty cổ CP Phốt pho Việt Nam.
Tỉnh Hưng Yên cũng có bảy đơn vị vi phạm bị xử phạt gần 1,3 tỷ đồng, bao gồm: Công ty TNHH Dệt và nhuộm Hưng Yên; Công ty CP Hyundai Aluminum Vina; Công ty CP Rượu bia nước giải khát Aroma; Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội - Hưng Yên 89; Công ty CP Nội thất Hòa Phát; Chi nhánh Hưng Yên - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam.
Tại tỉnh Bắc Giang có 9 trường hợp vi phạm bị xử phạt 1,8 tỷ đồng, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; Bệnh viện Ung biếu tỉnh Bắc Giang; Bệnh viện Phổi Bắc Giang; Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang; Công ty Cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội; Công ty Cổ phần thép Phương Bắc; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang; Công ty Trách nhiệm hữu Hạn Hòa Phú Invest; Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Giang.
Tại tỉnh Hòa Bình có 3 đơn vị vi phạm bị xử phạt gần 1,3 tỷ đồng, bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hapaco Đông Bắc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc Đại; Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát tại Hòa Bình.
Cuối cùng là tỉnh Hải Dương có 2 đơn vị vi phạm bị xử phạt 60 triệu đồng, bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Hải; Công ty Dệt HOPEX.