Sáng ngày 17/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Minh Thành (SN 1965, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Tuy nhiên, tại phần xét hỏi tại phiên tòa, xét thấy lời khai của bị cáo, các bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn phát sinh nhiều mâu thuẫn nên HĐXX cho tạm hoãn phiên tòa để VKSND tỉnh Kiên Giang rút hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ.
Theo cáo trạng, từ năm 2013-2019, Thành làm Giám đốc Hợp tác xã Tân Thuận Phát (thuộc cánh đồng ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng) và đại diện cho những hộ nông dân sản xuất trong hợp tác xã ấp Hòa Kháng đăng ký gieo sạ lúa giống với Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam - chi nhánh Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ). Sau đó, Phạm Minh Thành thôi giữ chức vụ Giám đốc.
Vào vụ lúa đông xuân năm 2022-2023, Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam - chi nhánh Cờ Đỏ tiếp tục ký hợp đồng với Thành làm đại diện hộ nông dân sản xuất lúa giống.
Theo đó, Thành đã huy động được 42 hộ dân tham gia với tổng diện tích sản xuất 83,8 ha trên địa bàn xã Hòa Thuận và xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao).
Đến khi thu hoạch lúa, đại diện công ty cùng Thành đến kiểm tra và thu mua theo thỏa thuận hợp đồng đã ký kết. Sau khi thu mua lúa, công ty cam kết từ 7-10 ngày sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho Thành để Thành trả tiền cho những hộ dân.
Được biết, công ty đã chuyển khoản cho Thành 17 lần với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhận được tiền, Thành chỉ chi trả một phần cho các hộ nông dân, số tiền còn lại Thành lấy để trả nợ cá nhân. Khi người dân hỏi về số tiền còn lại, Thành nói dối là phía công ty chưa thanh toán.
Ngày 12/4/2023, công ty chuyển khoản cho Thành số tiền 415 triệu đồng. Thành dùng số tiền của công ty để tiêu xài cá nhân, không chi trả lại cho những hộ dân đã bán lúa giống cho công ty.
Sau đó, nhận thấy bản thân không còn khả năng trả tiền cho người dân, Thành dựng hiện trường giả mất trộm số tiền 715 triệu đồng. Thành đã chiếm đoạt của 14 bị hại với số tiền hơn 940 triệu đồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều này được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
(1) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tái phạm nguy hiểm.
(3) Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
(4) Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
(5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.